Mới đây, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chia sẻ với Zing.vn, bệnh viện vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 18 tuổi bị biến chứng đau nhức, sưng tím, mắt phải mờ dần sau khi tiêm chất làm đầy (filler).
Qua thăm khám, bác sĩ Hùng chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt phải. Nữ bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại khoa Mắt nhưng khả năng cải thiện thị lực không khả quan.
Theo Vietnamnet, cô gái chia sẻ với bác sĩ rằng, bạn trai cô không học bác sĩ song tự đi học tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ. Khi trở về, chàng trai đã tự mua chất làm đầy tiêm nâng mũi cho người yêu, khi xảy ra sự cố anh này có tiêm thuốc tan song không thành công.
Gần đây, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai biến do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, đặc biệt là tiêm filler nâng mũi gây mù mắt, hoại tử da. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần chọn cơ sở uy tín được cấp phép, người thực hiện có chứng chỉ hành nghề, chất đưa vào cơ thể phải rõ nguồn gốc.
Khi có biến chứng nên tới bệnh viện sớm để xử trí kịp thời, chích thuốc giải nhằm hạn chế tổn thương mạch máu, giảm hoại tử da. Thời gian tiêm thuốc giải với các tổn thương da là trong vòng 6 giờ sau khi tiêm chất làm đầy, 60-90 phút nếu có tổn thương mắt. Tuy nhiên một khi đã bị ảnh hưởng vào mắt thì rất khó cứu thị lực. Khi tiêm filler không đúng kỹ thuật, mũi tiêm có thể trúng vào động mạch trung tâm võng mạc, làm giảm thị lực.
Filler có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, chỉ 10-15 phút có thể tạo được sống mũi cao không cần phẫu thuật nên được rất nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, phương pháp tồn tại một số hạn chế như không khắc phục được nhược điểm vùng đầu mũi, cánh mũi. Tiêm chất làm đầy tại các cơ sở không đảm bảo, chưa được cấp phép có thể bị nhiễm trùng do vô trùng kém. Chúng chỉ an toàn nếu tiêm đúng kỹ thuật, đánh giá đúng tình trạng cơ thể và liều lượng thích hợp.
Phong Linh (tổng hợp)