Sau hàng loạt cú lừa đánh vào lòng nhân đạo thì giờ đây, cư dân mạng đã có phần “tỉnh táo” hơn trong mọi trường hợp thương tâm (hoặc có vẻ thương tâm).
Trừ những hoàn cảnh khó khăn, éo le mà nhân vật chính là người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, người mất khả năng tự chủ lao động thì trong mọi sự việc, cư dân mạng đều đưa ra ít nhất hai lựa chọn để tình thương của chúng ta được “cuốn theo chiều gió”.
Một là tin tưởng hoàn toàn, là thương cảm, đồng cảm, chia sẻ không cần suy nghĩ. Hai là bán tín, bán nghi, sự hoài nghi, soi xét và tinh thần phản biện luôn được đề cao đến mức tối đa trong lựa chọn này.
Trong trường hợp cụ thể gần đây – một thiếu nữ với vẻ ngoài khá ăn diện ngồi bệt giữa đường với tấm biển “Tôi đang cần tiền về Hà Nội, mong mọi người giúp đỡ” lại một lần nữa dấy lên một cơn “bão phím” trên mạng xã hội.
Người thương có, kẻ trách lại càng nhiều. Vẫn là những luận điệu “trẻ trung, khỏe mạnh sao không đi kiếm việc mà lấy tiền”, “đầy đủ tay chân mà còn ngồi lê xó đường để xin tiền về!”, “khó khăn mà còn có điện thoại để lướt facebook”, “có điện thoại, có tài khoản ngân hàng sao không gọi người nhà chuyển khoản cho?”…
Những lời chê trách đó hoàn toàn có cơ sở. Bởi không dừng lại ở việc trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình trực tiếp, cô gái trẻ này còn đăng tải cả hình ảnh cơ nhỡ, trải lòng về sự khốn khó của mình trên trang cá nhân facebook và kèm theo đó là… số tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu đã đánh giá một vấn đề, sự vật, sự việc nào đó, chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan, toàn diện để nhìn nhận một cách chính xác hơn. Trên thực tế, cô gái đó không hề ngửa tay xin tiền vãng lai mà cô ấy chỉ bày tỏ rằng mình cần tiền. (Trên tấm bảng cô ấy có viết rõ: “Tôi đang cần tiền về Hà Nội, mong mọi người giúp đỡ”.
Đương nhiên, để giúp đỡ một người cần tiền, chúng ta cũng có hàng nghìn cách. Hoặc có thể giới thiệu cho cô ấy một công việc phổ thông ngắn hạn để cô ấy có thể lao động kiếm tiền. Hoặc có thể hướng dẫn cô ấy thủ tục cầm đồ, vay nợ… Chứ đâu chỉ một cách giúp là “móc hầu bao” và đưa trực tiếp.
Chắc hẳn độc giả vẫn chưa quên được câu hỏi gây dậy sóng cộng đồng mạng của một nữ sinh viên vào cuối năm 2016 vừa rồi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô một tháng?”
Người hỏi thì hỏi với tâm thế cầu thị, cầu tiến, muốn biết được phương pháp, cách làm để những nhà tuyển dụng trả công xứng đáng. Còn người nghe gián tiếp (cư dân mạng) lại suy diễn thành lối nghĩ ảo tưởng đáng lên án. Trường hợp nữ sinh viên này cũng có khác gì cô gái “cần tiền” ngồi giữa đường ở Đồng Nai đâu.
Đúng là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, ai bảo tiếng Việt hàm ngôn, phức tạp, nhiều lớp nghĩa quá mà làm cho chính người Việt không hiểu rõ ý đồ của đối phương để rồi “ném đá” nhau đến sứt đầu mẻ trán!
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả