Jose Ruiz Sotero Hernandez, một quan chức thuộc Viện quốc gia về di cư Mexico vừa thông báo về trường hợp một thiếu nữ 17 tuổi ở Puerto Vallarta được đưa đến bệnh viện với vết lở loét trên bộ phận sinh dục. Cô gái cho biết, cô bị nghiện krokodil.
Người nghiện có thể tự chế krokodil từ thuốc giảm đau.
"Cô gái đã bị nhiễm trùng khiến bộ phận sinh dục bị ‘mục nát’. Đây không phải bệnh lây qua đường tình dục. Cô gái này nói cô đã sử dụng ma túy krokodil trong hai tháng qua", Hernandez cho biết.
Cô gái còn nói thêm rằng, ma túy krokodil được bán sẵn ở các góc phố tại thành phố Mexico.
Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Mexico ghi nhận về trường hợp sử dụng ma túy krokodil. Các quan chức đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hại chết người của loại ma túy “ăn thịt người” này.
Sự tàn phá cơ thể của ma túy 'ăn thịt' Krokodil.
Krokodil là một loại ma túy được tổng hợp từ thuốc giảm đau codein bị nghiền nát với hóa chất gia dụng. Giá của Krokodil rẻ hơn nhiều so với heroin nhưng mạnh hơn gấp mười lần. Loại ma túy này có thể gây tổn thương mô mạch máu, ‘ăn thịt’ cơ thể, khiến da thịt dần trở nên thối rữa và bị nhiễm trùng một phần do sử dụng kim tiêm bẩn.
Krokodi xuất hiện lần đầu tiên tại Nga vào năm 2002, nơi các con nghiện có thể dễ dàng mua codein ở bất cứ đâu và tự bào chế ra loại ma túy này. Năm 2011, có khoảng 1 triệu người Nga nghiện krokodil. Chính phủ nước này đã rất nỗ lực ngăn chặn loại ma túy ăn thịt người nhưng số lượng người nghiện vẫn gia tăng.
Krokodil trở thành đại dịch toàn cầu khi nó bắt đầu xuất hiện ở Mỹ vào năm 2004 và ở một số nước châu Âu.
Linh An (Theo Huffingtonpost)
Theo các chuyên gia y tế, người nghiện heroin thông thường có thể sống thêm từ 5-7 năm sau khi nghiện nhưng đối với Krokodil, người nghiện chỉ có thể sống thêm tối đa là 2 - 4 năm. Chưa kể, tiêm chích Krokodil cũng là một con đường lây truyền HIV/AIDS. |