Chiều 25/9, một vị lãnh đạo thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (đề nghị giấu tên) cũng đã trao đổi với PV Người đưa tin về hoạt động quản lý thị trường đồ chơi Trung thu tại Hà Nội. Vị này cho biết, thời gian qua vào đợt cao điểm đầu năm học mới và Tết Trung thu cận kề, các tổ công tác của Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội liên tục tăng cường kiểm tra đối với mặt hàng đồ chơi, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hành vi kinh doanh đồ chơi nhập lậu, đồ chơi nguy hiểm, có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em, và đồ chơi không có dấu hợp quy định. Đội đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm và lập hồ sơ xử lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
"Đặc biệt dịp Trung thu, Chi cục thành phố đã chỉ đạo các đội địa bàn mà trọng tâm là địa bàn quận Hoàn Kiếm phối hợp với chính quyền yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không lưu hành buôn bán kinh doanh đồ chơi nhập lậu, đồ chơi nguy hiểm…", vị này nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: “Hiện nay trên thị trường đang diễn ra tình trạng nhiều mặt hàng đồ chơi Trung Quốc bị cơ quan chức năng phát hiện độc tố và thu hồi. Với vai trò là đơn vị bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Vinastas rất mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kiểm tra các mặt hàng nhập lậu, chất lượng không đảm bảo. Đối với những hàng hóa không phải nhập lậu nhưng lại chứa chất độc hại thì cần gấp rút lấy mẫu kiểm tra, trường hợp nào quá mức cho phép thì phải đưa ra cảnh báo cho người dân và cấm lưu hành”.
Lý giải nguyên nhân cho tình trạng đồ chơi Trung Quốc tràn lan trên thị trường, ông Hùng cho rằng, các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc phổ biến ở nước ta bởi giá thành rẻ, có sức cạnh tranh. Ngoài ra, Trung Quốc còn là thị trường liền kề nên hàng hóa rất dễ nhập lậu qua đường thủy, đường bộ.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay, Bộ Chính trị đang có cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chính vì thế hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải là định hướng cho con cái hướng đến những mặt hàng truyền thống. Nhiều đồ chơi của nước ta giá không đắt, lại an toàn và còn giàu ý nghĩa truyền thống. Mua đồ chơi truyền thống cho con trẻ không chỉ đảm bảo được tính vui chơi mà còn mang tính giáo dục rất lớn.
Để người tiêu dùng trong nước mặn mà hơn với hàng nội địa, ông Hùng đưa ra kiến nghị, nhà sản xuất nên tăng cường cải tiến công nghệ và hệ thống mẫu mã đồ chơi trẻ em. Các mặt hàng đồ chơi nội hiện nay còn chậm cải tiến, mẫu mã lại kém đa dạng, đặc biệt là kém tính sinh động. Hơn nữa, loại mặt hàng này đa số còn ở dạng tĩnh, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi khám phá của trẻ.
Theo ông Hùng: “Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì phải không ngừng cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng. Chúng ta không thể chỉ hô hào người dân hưởng ứng trong khi không thay đổi cách thức làm việc và sản xuất hàng hóa” - ông Hùng nhấn mạnh.
Hải - Hạnh