Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Đâu là giải pháp?

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Đâu là giải pháp?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 20/06/2022 14:26

Trước thực trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các địa phương và đơn vị, Bộ Y tế chỉ ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, vì đâu?

Chiều 17/6, Bộ Y tế phát đi thông cáo báo chí về thực trạng công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế hiện nay.

Theo đó, công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Nguyên nhân đầu tiên là hiện Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm.

“Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước. Thế nhưng, các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn”, Bộ Y tế cho biết.

Nguyên nhân thứ hai là việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động nên việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Nguyên nhân thứ ba là việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất. Điều này dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.

Nguyên nhân thứ tư là tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Nguyên nhân cuối cùng là do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Liên quan đến vấn đề này, theo GS-TS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thực tế một số bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế không phải là câu chuyện mới. 

Có nhiều ý kiến cho rằng, do nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, dẫn đến tình trạng sợ không dám làm, không dám mua sắm thuốc, vật tư, song nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. 

“Khi hoàn thành việc đấu thầu mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế, còn một quy trình nữa là thẩm định. Việc thẩm định trong thời gian qua cũng còn bất cập, nhiều cán bộ thẩm định đã vướng vào vòng lao lý, nên có tình trạng cán bộ thẩm định không dám làm. Trường hợp thẩm định xong, gửi lên Bộ Y tế để phê duyệt lần cuối cũng bị ngâm ở đó, gần như không ai dám xét duyệt”, ông Trí nói.

Phân tích thêm nguyên nhân, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao.

Một số ý kiến khác thì nêu ra, xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại, phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.

Đâu là giải pháp?

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Đồng thời lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc xây dựng và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các đơn vị cần xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch, đặc biệt trong trường hợp trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao mới được đưa vào danh mục mua sắm do nhu cầu sử dụng tăng hoặc áp dụng danh mục dịch vụ kỹ thuật mới đưa vào sử dụng so với năm trước liền kề.

“Thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, Bộ Y tế đề nghị.

Bộ Y tế cũng đề nghị lãnh đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để tăng cường năng lực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 1589/BYT-KH-TC ngày 30/3/2022 đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24-5-2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 1/10/2020 của Bộ Y tế và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao…

Mới đây Bộ Y tế đã có Công văn số 3180/BYT-QLD gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng; không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và tại các đơn vị; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.

Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trước ngày 22/6. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải bảo đảm việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.

Bàn về giải pháp cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, một số ý kiến còn cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung. Đồng thời phải quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng đồng thuận với kiến nghị cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Ngoài ra, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh các quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu yên tâm thực hiện.

Minh Hoa (t/h theo Hà Nội mới, báo Đầu Tư)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.