“Đỏ mắt” nguồn tuyển giáo viên
Giữa tháng 9/2023, mặc dù đã bước vào năm học mới nhưng tỉnh Đồng Tháp vẫn đang thiếu hơn 850 giáo viên, trong đó nhiều nhất là giáo viên tiểu học, mầm non; các môn cần giáo viên là tiếng Anh, Tin học.
Trong khi đó tại Hậu Giang, nếu như năm học trước chỉ thiếu hơn 800 giáo viên thì hiện nay con số đã lên gần 1.200. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng giáo viên các năm qua đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch vì không có nguồn.
Tại tỉnh Bạc Liêu, ngành giáo dục đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên. Năm học 2023-2024, trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) có 38 lớp với khoảng 1.600 học sinh. Số lớp và số học sinh đều tăng nhưng số lượng giáo viên lại không tăng mà còn giảm.
Được xác định là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng Tp.Cần Thơ vẫn vướng vào bài toán khó thiếu hụt giáo viên. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.Cần Thơ cho biết, năm học 2023-2024, Tp.Cần Thơ thiếu gần 700 giáo viên ở các cấp học, trong đó nhiều nhất là giáo viên bậc tiểu học.
"Năm học 2022-2023, một số quận, huyện chưa thực hiện tuyển dụng giáo viên như quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh. Các đơn vị đã thực hiện tuyển dụng nhưng số lượng người dự tuyển không đủ so với chỉ tiêu; số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế ở các trường trong thời gian qua tương đương với số lượng giáo viên tuyển được", ông Bình cho hay.
Năm học 2023-2024, tỉnh Hậu Giang thiếu 1.200 giáo viên ở các cấp học, nhiều nhất là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học. Tình trạng giáo viên nghỉ việc chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn đã gây thiếu hụt cho ngành giáo dục. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hậu Giang có 260 giáo viên nghỉ việc, trong khi áp lực số trẻ mầm non đến trường hằng năm đều tăng.
Ông Phan Văn Nhớ, Trưởng phòng GD&ĐT Tp.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang băn khoăn: “Năm nào cũng vậy, thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, nỗi lo lớn nhất vẫn là giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. So với các huyện nông thôn vùng sâu thì điều kiện ở thành thị khá hơn, nhưng năm học này Tp.Vị Thanh vẫn còn thiếu 41 giáo viên. Thực tế, công tác tuyển dụng những năm qua đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch, cho nên ngành vẫn còn 57 biên chế chưa sử dụng. Giải pháp vẫn là phải ký hợp đồng với giáo viên, nếu trường nào chưa đủ thì ngay cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách đều phải đứng lớp”.
Vì thiếu giáo viên nên nhiều trường học tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải tuyển dụng hợp đồng, điều này dẫn đến nguồn kinh phí chi trả gặp khó khăn, chất lượng giáo dục không ổn định do nhân lực thay đổi. Ở một số trường học, việc thiếu cán bộ quản lý trong thời gian dài, gây bất cập trong công tác quản lý, điều hành tại đơn vị.
Bài toán càng khó hơn khi hiện rất nhiều trường thậm chí không có nguồn giáo viên để hợp đồng, nhất là các trường ở xa trung tâm thành phố. Những đơn vị này phải phân thêm giờ cho đội ngũ giáo viên hiện có hoặc kiêm nhiệm dạy thêm các môn ở cấp THCS, THPT khiến hiệu quả truyền đạt không cao.
Áp lực tìm giải pháp nguồn nhân sự
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng phòng GD&ĐT Tp.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm qua, ngành giáo dục đã chủ động ký phối hợp với Trường đại học Đồng Tháp để đặt hàng tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu địa phương, đồng thời tổ chức định hướng và phân luồng nghề nghiệp, tuyển học sinh theo học ngành sư phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa mang lại hiệu quả.
“Năm học vừa qua, phòng Giáo dục đã tham mưu UBND Tp.Hồng Ngự tuyển dụng 2 đợt nhưng vẫn không đủ biên chế được giao do hồ sơ nộp vào không đủ tuyển. Bất cập bởi các địa phương tự chủ cùng tuyển nên ứng viên nộp hồ sơ cùng lúc, xảy ra tình trạng ứng viên thi đậu cùng lúc nhiều địa phương, nhà trường. Lúc thông báo trúng tuyển thì ứng viên đã nhận công tác nơi khác”, bà Yến thông tin thêm.
Vì thế, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đang nghiên cứu sắp xếp (sáp nhập hoặc giải thể) các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ để nâng chất lượng giáo dục và hạn chế tình trạng thiếu giáo viên. Cùng với đó là triển khai thực hiện điều động, biệt phái giáo viên theo thẩm quyền để giải quyết thừa, thiếu cục bộ, kết hợp sắp xếp các đơn vị cơ bản phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của giáo viên.
Đại diện Sở GD&ĐT Tp.Cần Thơ kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ cho phép địa phương thực hiện hợp đồng giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở trong thời gian chưa tuyển dụng được giáo viên có trình độ theo quy định.
Bởi lẽ, bất cập hiện nay là nhu cầu về giáo viên do địa phương đề xuất dựa trên tình hình thực tiễn, trong khi chỉ tiêu biên chế do Bộ Nội vụ phân bổ, còn chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo do Bộ GD-ĐT xác định và kinh phí từ Bộ Tài chính.
Mặc dù sinh viên sư phạm được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường, vì còn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.
Th.S Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Cần Thơ cho biết: "Chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm của trường được Bộ GD&ĐT giao dựa trên nhu cầu của các địa phương. Thời gian qua, trường cũng nhận đặt hàng đào tạo giáo viên của hai tỉnh Long An và Vĩnh Long”.
Trong đó, tỉnh Long An đặt hàng đào tạo 159 chỉ tiêu. Sau khi nhập học có 154 sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ của Long An, nhưng cuối cùng tỉnh chỉ ký hợp đồng với 11 sinh viên có hộ khẩu ở địa phương này, không chấp nhận sinh viên có hộ khẩu thuộc tỉnh khác.
Còn tỉnh Vĩnh Long đặt hàng 240 chỉ tiêu và đã có 203 sinh viên đăng ký. Nhưng cuối cùng, Vĩnh Long lại không ký hợp đồng với sinh viên nào. Địa phương cho biết, do điều kiện về kinh phí và một số khó khăn khác khi thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ nên tỉnh không đặt hàng đào tạo với sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh năm 2021.