Thực trạng thông tin giả mạo, gây hiểu lầm xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội những năm gần đây. Ông đánh giá sao về vấn nạn này?
Nhắc đến tin giả, trước hết ta phải nói đến mạng xã hội. Mạng xã hội là thành tựu kỳ diệu của khoa học công nghệ, mà nhờ nó con người đến gần được nhau hơn. Mạng xã hội làm cuộc sống nhẹ nhàng hơn cả lý trí lẫn tình cảm.
Đại bộ phận người dùng mạng xã hội với mục đích tốt đẹp. Nhưng cũng có một số kẻ xấu dùng mạng xã hội để tung tin sai sự thật vì những mục đích cá nhân.
Các nước trên thế giới có quy định, chế tài rất chặt chẽ để quản lý người dùng mạng xã hội. Cách đây hai năm, một tù nhân ở Anh khi đang thụ án trong nhà tù đã dùng mạng xã hội để đăng tải ảnh khoả thân. Trước hành động phản cảm này, toà án Anh quyết định tăng thêm 1 năm tù cho phạm nhân này.
Một đại tá Mỹ đã từng chiến đấu ở Iraq từ năm 2003, vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường khốc liệt như Syria. Năm 2016, khi về làm ở bộ Quốc phòng Mỹ ông đã được cân nhắc tăng lên hàm Thiếu tướng.
Tuy nhiên, năm đó một sự kiện đã xảy ra khiến ông bị sa thải khỏi bộ Quốc phòng Mỹ, đó là việc một cô bạn tung tin trên mạng xã hội rằng thời kỳ học chung với đại tá này hơn chục năm trước, người phụ nữ này từng bị ông cưỡng hiếp.
Vị đại tá này nộp đơn kiện và sau 6 tháng toà án Mỹ ra phán quyết người phụ nữ mắc tội vu cáo và phải bồi thường danh dự cho đại tá 5,5 triệu USD.
Tuy nhiên, hệ thống luật pháp điều chỉnh hành vi sử dụng mạng xã hội của nước ta còn cần tăng cường mạnh hơn nữa. Cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh liên quan đến sử dụng mạng xã hội vào mục đích xấu.
Xin ông cho biết cách thức nhận diện và đối phó với tin tức giả mạo?
Có thể nói rằng tin tức giả mạo ảnh hưởng rất lớn, cả về kinh tế, chính trị lẫn xã hội.
Thực ra tin giả mạo bao giờ cũng chứa các yếu tố như thời gian, không gian để xác định. Vì vậy nếu tin đó xảy ra ở địa phương nào hay thuộc bộ nào thì trước hết các cơ quan, các bộ hay địa phương liên quan cần chấn chỉnh thông tin kịp thời.
Khi thấy xuất hiện tin tức giả mạo, lực lượng chức năng địa phương cần phải lên tiếng dập tắt ngay tin không chính xác. Theo tôi mỗi cơ quan nên thành lập một bộ phận tác chiến trên mạng có nhiệm vụ quan sát, theo dõi, xử lý những tin giả mạo có liên quan. Khi xuất hiện thông tin giả mạo cần ra tuyên bố dập tắt tin đồn nhanh chóng.
Cán bộ mà có hành vi tung tin giả mạo trên mạng cũng cần xử tù, phạt hành chính hoặc đuổi việc. Với học sinh có hành vi tương tự cần phải xử lý nghiêm. Phải dùng nhiều biện pháp chế tài để răn đe.
Có giải pháp phòng ngừa hành vi này không, thưa ông?
Hành vi xấu trên mạng rất khó phòng ngừa. Tuy nhiên, để phòng ngừa, trước hết tôi đề nghị đưa chương trình hướng dẫn sử dụng mạng xã hội vào chương trình ngay đầu cấp 3. Thậm chí có thể đưa vào giáo trình học kiến thức về sử dụng mạng từ lớp 6, những ưu việt của mạng xã hội và những cách cần để tránh tin tức giả mạo.
Thứ hai, trên hệ thống phát thanh truyền hình nên có chuyên mục an ninh mạng xã hội để khán, thính giả có thêm hiểu biết về lĩnh vực này. Nếu trên truyền hình mỗi tuần có một chương trình về mạng xã hội hay mỗi tờ báo đều có mục về mạng xã hội thì có thể tránh được nguy cơ lan truyền hành vi xấu trên mạng.
Mỗi người cũng cần tạo cho mình năng lực phản ứng trước các thông tin trên mạng.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Xem thêm >> Vì sao tin tức giả lừa gạt được tất cả chúng ta?