Qua vụ 5 “hiệp sĩ” đường phố ở TP.HCM bị truy sát vì truy đuổi nhóm đối tượng trộm xe SH cho thấy, tình hình an ninh trật tự, nạn trộm cướp ở TP này có diễn biến phức tạp.
Cần hành lang pháp lý như thế nào để bảo vệ các “hiệp sĩ”? Trách nhiệm của lực lượng Công an TP.HCM trong vấn đề đảm bảo trật tự trị an xã hội như thế nào? Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bình Dương, đã nêu quan điểm cá nhân trước những băn khoăn này của dư luận khi PV báo Người Đưa Tin phỏng vấn ông.
PV: Thưa Thiếu tướng, sự việc 2 “hiệp sĩ” tử vong, 3 “hiệp sĩ” trọng thương vì hành động hiệp nghĩa đang đặt ra vấn đề bảo vệ lực lượng “hiệp sĩ” về mặt pháp luật. Vậy, hành lang pháp lý tạo sự yên tâm cho hoạt động của “hiệp sĩ” nói riêng và hoạt động của phong trào quần chúng bảo vệ trật tự an toàn xã hội nói chung có khó khăn gì trong các quy định hiện hành?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Mô hình các tổ “hiệp sĩ” xuất phát từ thực tế bảo vệ trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Các tổ này thể hiện trách nhiệm của một bộ phận người dân tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, gắn liền với thực tiễn tình hình tội phạm ở địa phương.
Hoạt động này ra đời hơn 10 năm nay ở nhiều địa phương phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, nhưng vẫn mang tính tự phát.
Khác với TP.HCM, ở Bình Dương, khi các tổ, đội “hiệp sĩ” này ra đời, hoạt động, thấy được vai trò, trách nhiệm của người dân khi tham gia phòng, chống tội phạm hiệu quả, đồng thời cũng muốn có hình thức quản lý nhất định đối với hoạt động của lực lượng này nên Công an tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số quy định để quản lý, đồng thời tổ chức hướng dẫn, huấn luyện cho họ hoạt động.
Hiện nay, bộ Công an đang tổ chức lại bộ máy của lực lượng công an. Theo dự kiến, sẽ chuẩn hóa lực lượng công an xã, lực lượng làm công tác tham gia phong trào bảo vệ an ninh ở cơ sở. Vậy, trong văn bản pháp luật dự kiến ban hành đối với các lực lượng: Công an xã, dân phòng, dân phố ở đô thị, sẽ đề cập quản lý mô hình “hiệp sĩ”, tạo hành lang pháp lý cho họ hoạt động.
Hành lang pháp lý này sẽ quy định phạm vi hoạt động, những gì được phép làm, những gì cần hạn chế, không nên làm, có cơ chế phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp trên địa bàn để xử lý tình huống vượt khỏi thẩm quyền… Thông tin, báo cáo, phối hợp kịp thời để hạn chế hậu quả xảy ra, trực tiếp bắt hay báo cho cơ quan có thẩm quyền, sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách thế nào? Trang bị phương tiện để bảo vệ cho lực lượng này, ví dụ như áo giáp chẳng hạn, hay chế độ chính sách với họ ra sao?...
Chúng ta đề cao việc huy động mọi nguồn lực tham gia phòng, chống tội phạm nhưng cũng phải có chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích họ; cần có những quy định pháp luật để duy trì và tổ chức hoạt động của lực lượng này, phát huy hiệu quả, sức mạnh của quần chúng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
PV: Có nên đưa đối tượng này vào một bộ phận của lực lượng công an không, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Lực lượng công an xã đang dần được chính quy để đảm bảo an ninh ở cơ sở, thay cho lực lượng bán chuyên trách hiện nay. Chính phủ sẽ trình dự án luật về lực lượng trị an ở cơ sở, sẽ có các tổ chức, mô hình, đảm bảo trật tự an toàn ở dưới cơ sở, trong đó có lực lượng “hiệp sĩ” như tôi nói ở trên. Nhưng từ giờ đến khi có văn bản đó, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh nên ban hành các văn bản có tính chất quy định một số nội dung liên quan đến hoạt động, quản lý hoạt động, chế độ chính sách đối với lực lượng “hiệp sĩ” như ở Bình Dương.
Quản lý tức là tổ chức theo đội hình, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị một số công cụ hỗ trợ, bảo vệ. Trên cơ sở này tổng kết để xây dựng luật liên quan đến bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
PV: Qua vụ việc nhóm “hiệp sĩ” bị tấn công dẫn đến thương vong khi truy bắt trộm có thể thấy, vai trò của Công an TP.HCM trong việc đảm bảo trật tự trị an đô thị dường như chưa được thể hiện rõ nét, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng trong đó, vai trò nòng cốt là lực lượng công an nhân dân. Vì thế cho nên, tình hình tội phạm, nhất là nạn cướp giật ở TP.HCM trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp thì trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an TP.
Bởi vì, hoạt động của đội “hiệp sĩ” đã từ hàng chục năm, nói về sự chủ động trong tổ chức, quản lý lực lượng này có thể thấy Công an TP.HCM chưa kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để đưa ra những quy định nhằm một mặt phát huy điểm tích cực, đồng thời khắc phục hạn chế.
Với những mô hình như vậy cần sớm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và cũng là bảo vệ lực lượng “hiệp sĩ”.
PV: Về ý kiến đề nghị phong tặng liệt sĩ cho 2 “hiệp sĩ” tử nạn là Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi, ông thấy thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi nghĩ hành động của các “hiệp sĩ” là rất dũng cảm, họ đã xả thân truy bắt đối tượng trộm cướp. Tôi đồng tình ủng hộ để xem xét chế độ chính sách theo các quy định của pháp luật, nếu đủ điều kiện thì nên phong tặng liệt sĩ cho các “hiệp sĩ” đã mất.
Qua vụ việc “hiệp sĩ” tử nạn vì truy bắt trộm cũng cần xem lại hiện nay các quy định về truy tặng, phong tặng cho người tham gia phòng, chống tội phạm vẫn còn vướng mắc. Tôi nghĩ cần rà soát và xem lại toàn bộ các điều kiện, nếu cần thì nên có sự thay đổi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!