Vụ xe tải đâm đoàn người đi viếng nghĩa trang khiến 8 người chết ở Hải Dương khiến dư luận bàng hoàng. Đặc biệt, nhiều người tỏ ra phẫn nộ khi biết thông tin lái xe dương tính với ma túy.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm và thực chất của các ngành chức năng để giảm các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, xử lý nghiêm các trường hợp lái xe sử dụng ma túy và các chất kích thích khác.
PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để ghi nhận những ý kiến quanh vấn đề này.
Thưa Thiếu tướng, khi biết thông tin về vụ tai nạn giao thông khiến 8 người tử vong ở Hải Dương, suy nghĩ của ông như thế nào?
Tôi từng có hơn chục năm công tác trong lĩnh vực cảnh sát giao thông và sau đó là trực tiếp tham gia thẩm tra về trật tự an toàn giao thông hàng năm nhưng khi biết thông tin về vụ việc ở Hải Dương, tôi vẫn cảm thấy bị sốc, rất xót xa, đau đớn!
Tôi cho rằng, quyết tâm chính trị để giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn giao thông của Nhà nước và các cơ quan hữu quan là rất cao, nhưng sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành vẫn chưa thật tốt.
Mong rằng, các giải pháp đưa ra phải thực chất. Cần giải quyết hài hòa giữa yêu cầu phát triển giao thông đường bộ với các quan hệ xã hội khác. Lâu nay chúng ta quan tâm đến vấn đề phát triển giao thông đường bộ nhưng chưa quan tâm thực chất đến vấn đề đảm bảo an toàn.
Qua các vụ tai nạn giao thông như xe container đâm hàng loạt xe máy chờ đèn đỏ ở Long An, vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương xảy ra ngày 21/1 hay việc Công an TP.HCM phát hiện nhiều tài xế dương tính với ma túy, theo ĐBQH, cần xử lý tình trạng này ra sao?
Tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích, đặc biệt là dương tính với chất ma túy trong một số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra thời gian vừa qua thì một số cơ quan có trách nhiệm và báo chí mới đặc biệt quan tâm và gióng lên hồi chuông cảnh báo để xử lý.
Nhưng trên thực tế, tình trạng lái xe sử dụng chất ma túy hoặc các chất gây nghiện khác đã diễn ra trong nhiều năm.
Tuy nhiên, việc quan tâm đến vấn đề này một cách thấu đáo, bài bản thì chúng ta vẫn chưa làm được. Đây là vấn đề gắn với việc quản lý hành nghề của lái xe. Trong đó, có quản lý về sức khỏe, về điều kiện làm việc của lái xe.
Chúng ta chưa đặt vấn đề đúng với yêu cầu, đúng với tầm quan trọng về việc quản lý ngành nghề đối với lái xe. Chính vì thế mới có tình trạng vi phạm kéo dài trong nhiều năm vẫn không được xử lý dứt điểm.
Ở các nước tiên tiến, họ quản lý rất chặt chẽ việc hành nghề của lái xe, tiến hành kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và xử lý triệt để, đồng bộ nhiều giải pháp.
Còn ở Việt Nam, vẫn còn quan điểm nghề lái xe chính là giải quyết công ăn việc làm, giải quyết nhu cầu về vận chuyển trong giai đoạn đang phát triển như hiện nay… nên đặt vấn đề quản lý hành nghề lái xe vẫn còn nương nhẹ.
Đến bây giờ, khi các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra thì đã đến lúc chúng ta không thể để tình trạng này tiếp tục tái diễn.
Vậy, theo Thiếu tướng, cần có giải pháp gì để giải quyết bài toán giảm tai nạn giao thông và xử lý tình trạng lái xe sử dụng ma túy?
Ngoài những giải pháp mà Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ đạo, Công an các địa phương cũng đang tập trung tổ chức đợt cao điểm đảm bảo ATGT dịp Tết… nhưng tôi nghĩ, về lâu dài cũng cần thêm một số biện pháp nữa.
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, tập trung quản lý lái xe vận tải hành khách, lái xe vận tải hàng hóa như container… phải có các quy định chặt chẽ hơn để thường xuyên kiểm tra sức khỏe của người lái xe, kiểm tra các điều kiện lao động của lái xe.
Điều kiện lao động của lái xe lại phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Cần quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động. Chủ doanh nghiệp phải từ chối sử dụng lao động trong trường hợp tài xế không đảm bảo sức khỏe.
Bởi vì, phương tiện cơ giới đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, đối với nguồn nguy hiểm cao độ khi để xảy ra thiệt hại thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người sở hữu phương tiện. Lâu nay, chúng ta mới chủ yếu tập trung xử lý vi phạm của lái xe, chứ chưa tập trung xử lý trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Thứ hai, phải đổi mới công tác quản lý về trật tự an toàn giao thông đường bộ, với quan điểm giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm, chứ không phân tán như hiện nay.
Thứ ba, ứng dụng thông tin, thành tựu của khoa học công nghệ vào quản lý trật tự an toàn giao thông, nhất là việc giám sát hoạt động của các phương tiện, của người điều khiển phương tiện và việc xử lý các vi phạm.
Thứ tư, cần xử lý dứt khoát đối với những tiêu cực của lực lượng quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông. Tham nhũng vặt ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Việc có ý kiến cho rằng, tăng mức phạt tiền hoặc thậm chí tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cũng là một giải pháp nhưng tôi nghĩ nó không mang tính chất quyết định. Bởi vì vấn đề này còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân cho nên không thể quy định bằng văn bản dưới luật, cần sửa luật.
Hơn nữa, hiện nay trong việc xử lý các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì thẩm quyền của tòa án vẫn có thể tuyên hình phạt bổ sung như cấm hành nghề trong thời gian nhất định.
Trở lại vụ tai nạn khiến 8 người chết ở Hải Dương, thông tin ban đầu cho thấy tài xế dương tính với chất ma túy. Vậy chủ doanh nghiệp sử dụng lái xe có phải chịu trách nhiệm không, thưa ông?
Về mặt dân sự, tôi nghĩ các chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự, nếu tai nạn do nguồn nguy hiểm gây ra thì trước hết, người sở hữu phương tiện phải giải quyết hậu quả xảy ra. Sau đó, chủ phương tiện có thể yêu cầu lái xe trả lại số tiền đã bồi thường.
Chủ phương tiện phải quản lý lái xe bằng hợp đồng lao động, có quy định chặt chẽ về nội dung hợp đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!