Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường gian khổ, những ngày đi dân vận, Mỹ vận, những ngày làm công tác phản gián... đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào. Những ngày ấy, đất nước ta còn rất khó khăn, mỗi khi đi công tác nước ngoài ông phải đến bộ Tài chính mượn quần áo. Chỉ tiêu mượn được hai chiếc áo sơ mi nên ông phải tranh thủ giặt vào những lúc nghỉ trưa, nghỉ tối và phơi sao cho mau khô để hôm sau có áo mặc đi tiếp khách. Thế nhưng, từ khi là chiến sỹ cho đến lúc lên cấp Tướng, ông đều không than khổ, luôn quyết tâm để chống giặc trên nhiều phương diện.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng là một vị tướng an ninh, tài dân vận của ông được rất nhiều người kính nể. Ông không chỉ giỏi vận động dân chúng đi theo con đường của Đảng, của Bác Hồ, mà còn được biết đến với khả năng thuyết phục người dân Mỹ tiến bộ ủng hộ cách mạng Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ông là một trong những người vận động hành lang bên ngoài hội nghị Paris lịch sử - Hội nghị quyết định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng bồi hồi nhớ lại những ngày sang nước bạn công tác.
Chặt mía, nhặt chanh ở Cu Ba
Vừa qua, nhân cuộc vận động của Bảo tàng Công an nhân dân, vị tướng này đã tặng lại bảo tàng 7 hiện vật. Trong đó có 2 huân chương của Cu Ba, 2 huân chương của Liên Xô (cũ) và 3 huân chương của Lào vì sự cống hiến của ông với đất nước bạn. Nhớ lại những kỷ vật ấy, ông rưng rưng xúc động. Bởi mỗi kỷ vật gắn bó với một thời gian ông được sống và làm việc cùng nhân dân nước bạn.
Hai huân chương do đất nước anh em Cu Ba tặng ông có liên quan đến cuộc Mỹ vận (có nghĩa là đi sang Cu Ba vận động người Mỹ phản đối chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam - PV) của ta thời những năm 1968 đến ngày toàn thắng. Giọng ông hào sảng, âm vang: "Tôi đi Mỹ vận mà lại được Cu Ba tặng huân chương là vì có liên quan. Tôi sang nước bạn Cu Ba để thuyết phục những người Mỹ chặt mía, nhặt chanh thuê ở đây phản đối chiến tranh. Việc thuyết phục người Mỹ phản chiến ở chiến trường Việt Nam, sâu xa cũng là giúp đỡ cho nhân dân Cu Ba. Bởi Cu Ba chỉ cách Mỹ 90 hải lý, mà Mỹ luôn "nhắm" tới Cu Ba.
Lúc đó, Mỹ đang chiến tranh ở Việt Nam nên chưa gây chiến với Cu Ba. Những người dân Mỹ đã hiểu chiến tranh ở Việt Nam phi nghĩa thì sau này nếu Mỹ có gây chiến ở Cu Ba thì chính những người này sẽ phản đối chiến tranh Mỹ gây hấn với Cu Ba. Vì thê, các đồng chí Việt Nam sang đây Mỹ vận cho Việt Nam cũng là giúp Cu Ba sau này. Vì thế công tác này của tôi đã được nước bạn ghi nhận".
Ông cho biết, chiến tranh ở Việt Nam đã khiến nhiều binh lính Mỹ bị thiệt mạng. Nhiều gia đình Mỹ mất con đã hiểu được nỗi đau đớn tột cùng mà chiến tranh mang lại. Họ đã đấu tranh phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn nhiều người Mỹ khác chưa hiểu được sự thực về cuộc chiến này, nên chúng ta thành lập những đoàn Mỹ vận để vận động hành lang, gây dựng những phong trào phản chiến.
Thời gian ấy, ở Cu Ba đang là mùa chặt mía, nhặt cà phê, chanh. Họ phải thuê nhân công ở nước ngoài vào thu hoạch nông sản cho kịp thời vụ. Chúng ta nói với Cu Ba với ý rằng, đằng nào các bạn cũng phải thuê người, vậy nhờ các bạn thuê nhân công là người Mỹ để cán bộ của nước tôi có điều kiện tiếp cận và tuyên truyền cho người Mỹ hiểu. Công việc này khá khó khăn và công phu, cuối cùng đại sứ Cu Ba ở Mỹ cũng huy động được nhiều người Mỹ sang chặt mía.
"Tôi vừa chặt mía vừa nói chuyện với họ (thông qua phiên dịch). Khi nghỉ tay ăn trưa, ăn tối, mình cũng tranh thủ nói chuyện với họ. Những việc này được nước bạn Cu Ba hết sức giúp đỡ. Nước bạn trang bị micro cho tôi. Mỗi người Mỹ đi chặt mía có một cái tai nghe. Chỉ cần một người nói, tất cả đều nghe được, như kiểu hội thảo ngày nay. Cu Ba nói, tôi giúp các bạn cũng chính là giúp cho tôi, vì các bạn làm cho dân Mỹ hiểu về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Nếu Mỹ có đánh Cu Ba thì chính những người này sẽ đi tuyên truyền để chống chiến tranh ở nước họ", ông chia sẻ.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng thời kỳ ở Liên Xô.
Chặn gián điệp tại Lào
Thiếu tướng Quang Phòng nhớ lại, ngày ấy điều kiện kinh tế của nước nhà vô cùng khó khăn. Lương của các cán bộ đều được quy ra thóc để trả. Kể cả khi ông được cử sang nước bạn Lào với tư cách là chuyên gia giúp nước bạn khắc phục những mặt còn yếu trong công tác an ninh, mọi sinh hoạt vẫn giản dị, thậm chí khó khăn hơn ở trong nước vì khi ấy nước bạn còn khó khăn. Ông cho hay, đã sang công tác ở Lào 4 năm, dù đi với tư cách là chuyên gia Việt Nam nhưng tất cả sinh hoạt của cán bộ đều rất đơn giản, như những người bình thường khác. Hồi ấy, đồng chí Lê Duẩn (cố Tổng Bí thư) đã nói với ông Kaysone Phomvihane (nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) rằng, hai nước là anh em láng giềng cùng một chiến hào nên cán bộ của Lào ăn và sống như thế nào thì cán bộ tôi sống cùng các anh như thế.
Ông sang giúp đỡ cán bộ Lào về công tác an ninh, những gì Việt Nam làm tốt sẽ trao đổi kinh nghiệm với bạn. Giúp bạn đánh bọn phỉ mẹo Vàng Pao, Thoong Lít. Bên cạnh đó, ông còn có nhiệm vụ đối với nước nhà là cùng nước bạn đối phó với bọn phản động lưu vong ở nước ngoài qua đường Lào vào Việt Nam. Một trong những nhóm phản động bị bắt thời điểm đó là Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn, Trần Quang Đô...
Ghi nhận sự giúp đỡ của ông trên mặt trận an ninh, nước bạn Lào đã tặng ông nhiều huân chương.
Nhìn những huân chương đó, ông nhớ về những quãng thời gian và nhiều kỷ niệm gắn bó với nhân dân, cán bộ của nước bạn Lào. Tuy nhiên, khi Bảo tàng Công an nhân dân vận động hiến tặng kỷ vật, ông đã tặng lại 3 huân chương này.
Ông còn tặng cho bảo tàng 2 huân chương do Cộng hòa Liên bang Xô Viết (cũ) tặng. Thời gian nước ta trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, nước ta và Liên Xô (cũ) thường xuyên có những cuộc trao đổi kinh nghiệm chống CIA (cơ quan Tình báo trung ương của Hoa Kỳ). Có những thủ thuật CIA diễn ra ở Việt Nam nhưng chưa diễn ra ở Liên Xô (cũ) và ngược lại, nhiều bài học quý cho hai nước đã được rút ra sau những cuộc trao đổi. Vì thế, vào những dịp kỷ niệm trọng đại của Liên Xô (cũ), ông được tặng huân chương ghi nhận những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Liên Xô (cũ).
Vượt qua mọi thử thách Đoàn đi Mỹ vận là những người làm công tác dân vận tốt. Ông nhớ lại: "Hồi ấy nhóm của tôi có anh Tụng làm phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam đi theo làm phiên dịch. Lúc anh Tụng dịch lời nói của tôi sang tiếng Anh thì người Mỹ nhận ra ngay, biết anh ấy là phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam. Rất nhiều người dân Mỹ nghe thông tin của cuộc chiến tranh thông qua đài truyền thanh quốc gia nước ta. Tuy nhiên, công tác Mỹ vận của ta gặp khó khăn do Chính phủ nước này cấm người dân nước Mỹ không được vào Việt Nam và Cu Ba. Hầu hết những người đến được nước ta đều phải trải qua cuộc kiểm tra gay gắt và được sự đồng thuận của an ninh Mỹ. |
Thành Huế