Từ ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng tại Tp.HCM đã hết hoàn toàn vắc-xin DPT-VGB-HiB và DPT. Các loại vắc-xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.
Cũng như Tp.HCM, nhiều địa phương khác như: Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, TP Cần Thơ... cũng thiếu vắc-xin nghiêm trọng.
Xoay quanh việc thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM, Chủ tịch Hội dược học, Phó Chủ tịch Hội đông y Tp.HCM (đoàn ĐBQH Tp.HCM).
Nói hết vắc-xin là rất nguy hiểm
NĐT: Thưa đại biểu, nhiều địa phương chia sẻ lo lắng trong việc đã hết sạch vắc-xin 5 trong 1 từ tháng 2, vắc-xin DPT cũng đã bắt đầu hết, theo bà những hệ lụy nào sẽ xảy ra khi thiếu vắc-xin?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Bây giờ người dân đi đến các trạm y tế đều nhận được câu trả lời là hết vắc-xin, điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ em. Đồng thời, cũng gây hại cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Bởi, không phải ai cũng có ý thức đưa con đi tiêm phòng, thậm chí trên mạng cũng có những hội nhóm sống tự nhiên… mà bây giờ có ý thức đi tiêm phòng lại nói hết vắc-xin là rất nguy hiểm. Còn trên thế giới, họ đã giải quyết được bài toán bại liệt, sởi, bạch hầu… bằng vắc-xin.
NĐT: Theo đại biểu, việc thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất đáng lo ngại. Vậy, chúng ta có cần phải có động thái rà soát số lượng vắc-xin cần hay không?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Thực tế, số liệu và liều lượng của mỗi vắc-xin cần như thế nào thì hàng năm đều có thống kê, năm sau chỉ cần cộng thêm tỉ suất sinh mới là có thể tính toán được số lượng vắc-xin chúng ta cần.
Theo tôi, đấu thầu tập trung quốc gia đối với các vắc-xin rất có lợi, bởi đây là mặt hàng vắc-xin đặc thù, ít nhà cung cấp. Cho nên, không cần thiết phải đấu thầu riêng.
Đấu thầu với số lượng lớn thì sẽ có được mức giá có lợi hơn, sau khi trúng thầu sẽ đưa vắc-xin về các kho của các viện, đáp ứng được tiêu chuẩn. Tiếp đó, ở địa phương cần lên kế hoạch vắc-xin sau đó phối hợp với các viện vận chuyển vắc-xin về địa phương để thực hiện tiêm chủng.
Bộ Y tế đang chữa cháy
NĐT: Văn phòng Chính phủ vừa qua cũng đã ban hành thông báo số 183 kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương, trong đó có nêu, Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, vắc xin tiêm chủng mở rộng. Vậy theo đại biểu trách nhiệm của Bộ Y tế hiện ra sao?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Vấn đề hết vắc-xin Chính phủ đã thấy, cho nên cũng yêu cầu Bộ Y tế phải đảm nhận việc đấu thầu quốc gia để tiến hành bình thường như mọi năm. Không được lấy lý do do Bộ Tài chính chuyển nguồn.
Và Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù Chính phủ chỉ đạo nhưng cho tới giờ phút này, tôi được biết các địa phương vẫn chưa nhận được phản hồi. Cùng với đó, việc đấu thầu về vắc-xin vẫn chưa được tiến hành.
Hiện, Bộ Y tế cũng chưa có công văn nào chỉ đạo là “sẽ đấu thầu” mà chỉ có động thái cho các Viện đi nắm số liệu. Cho nên, bây giờ Bộ Y tế phải có văn bản gửi các nơi, yêu cầu các đơn vị tiến hành đấu thầu tập trung.
NĐT: Từ những vấn đề nêu trên, theo đại biểu Bộ Y tế cần phải làm gì để đẩy nhanh và có được các vắc-xin đã và đang sắp “cạn”?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Thông qua việc này, cũng cần rút kinh nghiệm cho sang năm và những năm tiếp theo, không được đùn đẩy trách nhiệm. Với những sự việc chúng ta có thể lường trước được (số lượng trẻ cần tiêm, chủng loại gì…) tiến hành đấu thầu hay tiến hành đàm phán giá quốc gia thì Bộ Y tế phải gánh vác chuyện này.
Chỉ “chữa cháy” bằng việc trả lời “đang cho các viện đi thu thập số liệu” là không ổn, những việc này không giải quyết vấn đề gì. Cho nên, phải khẩn trương đấu thầu.
NĐT: Xin cảm ơn đại biểu!
Cần tập trung tháo gỡ
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Vừa rồi có “khoảng trống vắc-xin” trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Bởi lẽ, trong giai đoạn này có nhiều phụ huynh không dám cho con đi tiêm. Có thể thấy, các bệnh đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nghĩa là các bệnh rất quan trọng. Nếu không tiêm sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm và nhiều dịch bệnh có thể xảy ra, gây sức ép lên hệ thống y tế. Cho nên, “khoảng trống về vắc-xin” cũng như không đủ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vấn đề rất cấp bách. Tôi cho rằng, cần tập trung để tháo gỡ giải quyết, không thể chủ quan”.
Bộ Y tế cần chủ động hơn
Tại Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 khu vực phía Nam ngày 23/5, tại Tp.HCM, đại diện nhà sản xuất vắc-xin tiêm chủng mở rộng mong muốn Bộ Y tế cần chủ động hơn khi đặt hàng với số lượng chính xác để đơn vị có thời gian chuẩn bị.
"Do thời gian sản xuất kéo dài, nếu muốn cung cấp ổn định thì cần thiết phải có kế hoạch dài hơi hơn, ít nhất là 2 năm, được hơn nữa thì 3 - 5 năm, như vậy sẽ chủ động hơn", đại diện nhà sản xuất nêu ý kiến.