Thịnh vượng và nghịch lý an ninh
Trong khi thế giới đang vật lộn với khủng hoảng thì Đông Á tiếp tục là một trong những điểm sáng về kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định. Dự báo của IMF, WB và một số viện nghiên cứu lớn trên thế giới đều cho rằng châu Á sẽ "thống lĩnh" kinh tế thế giới vào năm 2030, với Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất, còn tổng GDP của châu Á chiếm trên 60% tổng GDP của thế giới, và 6 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điều nghịch lý là sự thịnh vượng kinh tế này không đem lại cảm giác an ninh hơn cho các nước khu vực. Trong khi tiềm năng phát triển của châu Á được đánh giá là khá sáng sủa, thì khu vực này lại ẩn chứa các bất ổn an ninh tiềm tàng với nguy cơ chiến tranh lớn hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay.
Trước hết, bất ổn lớn nhất xuất phát từ nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực và chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Vốn từng là một điểm nóng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, là nơi quân sự hóa cao độ nhất thế giới và là nơi các nước lớn có các lợi ích đan xen, chồng chéo, nên bất cứ xung đột quân sự nào xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên trong thời điểm hiện tại cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ thống tài chính, thương mại và an ninh toàn cầu, cũng như sự can dự của các cường quốc như Mỹ, Trung, Nga, Nhật.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, một số tranh chấp lãnh thổ trong khu vực vốn bị chìm đi trong thời kỳ Chiến tranh lạnh nay bắt đầu nổi sóng. Những điểm nóng này bao gồm các tranh chấp liên quan đến đảo Dokdo/Takeshima giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài giữa Nhật Bản và Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á…
Do tầm quan trọng - địa chiến lược của các vùng lãnh thổ tranh chấp này đối với sự phát triển, cũng như tồn vong của nhiều nước ven biển Đông Á nên các nước này đều quyết tâm bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá và bất cứ xung đột nào xảy ra trên biển đều nhanh chóng có tác động lan tỏa tới toàn khu vực, thậm chí toàn cầu.
Vòng xoáy bất ổn đi về đâu?
Sự thịnh vượng về kinh tế kéo dài trong nhiều thập kỷ cho phép nhiều quốc gia Đông Á "không tiếc tiền" chi cho quốc phòng. Trong danh sách các quốc gia chi nhiều tiền nhất cho quốc phòng luôn có sự góp mặt của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo báo cáo mới nhất năm 2011 của Viện Nghiên cứu Hoà bình quốc tế Stockhom (SIPRI), châu Á đã chính thức vượt châu Âu trong chi tiêu quân sự, đạt 19.9% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu, so với 17,6% của châu Âu.
Từ năm 1990 đến nay, mức tăng chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc luôn ở mức hai con số và cao hơn mức tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2011, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chiếm khoảng 2% tổng GDP và đứng thứ hai thế giới. Còn trong vòng 5 năm qua, chi phí quốc phòng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines tăng gần gấp đôi.
Vòng xoáy hiện đại hóa quân sự hiện đang lôi cuốn sự tham gia của nhiều nước Đông Nam Á. Cũng theo SIPRI, hiện Singapore đứng thứ 5 thế giới về nhập khẩu vũ khí, trong khi chuyển giao vũ khí cho Malaysia đã tăng 8 lần trong giai đoạn 2005-2009 so với 5 năm trước đó. Ngoài ra, các quốc gia khác như Indonesia, Thái Lan cũng đã nhập với số lượng rất lớn các máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe tải bọc thép... trị giá hàng tỷ USD.
Thực tế trên cho thấy ở khu vực Đông Á đã xuất hiện sự "tiến thoái lưỡng nan về an ninh" (security dilemma), trong khi một số nước tìm cách đảm bảo an ninh cho mình tốt hơn bằng cách không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự thì một số nước khác lại cảm thấy bất an và đối phó lại bằng cách tăng ngân sách quốc phòng. Vòng xoáy luẩn quẩn này có thể cứ tiếp diễn cho đến khi nguy cơ chiến tranh đạt tới ngưỡng và có thể bùng phát bất cứ khi nào, như căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là một ví dụ.
Xét dưới bất cứ góc độ nào, việc tăng chi tiêu quá mức cho quốc phòng chẳng thể giúp các nước Đông Á cải thiện an ninh, mà còn là con đường nhanh nhất đưa khu vực đến cảnh tương tàn. Đây là điều mà các nước khu vực cần tính toán kỹ trong tiến trình chuyển hóa giấc mơ "Thế kỷ châu Á" thành hiện thực.
Theo Hoàng Tú Linh (Tạp chí Thế giới & Việt Nam)