Thịt cóc chỉ nên dùng như thuốc

Thịt cóc chỉ nên dùng như thuốc

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Thịt cóc sau khi đã làm sạch và an toàn là một thực phẩm bổ dưỡng, một loại dược liệu quý nhưng cần có sự hướng dẫn sử dụng của y bác sỹ.

Theo nghiên cứu khoa học, thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có hàm lượng protit và lipit cao (53% protid, 12% là lipid), hàm lượng sắt và kẽm hơn hẳn các loại thịt thông thường (65% sắt và 10% là kẽm). Thịt cóc có nhiều axit amin, có tác dụng bồi bổ, điều trị chứng còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Như vậy, thịt cóc rất có giá trị về dinh dưỡng. Về mặt dược liệu, danh y Tuệ Tĩnh viết: "Thiềm thừ (con cóc), khi dùng bỏ hết ruột da, có tính bình, mát, hơi có độc, tác dụng tiêu bạt ung thư, chữa chó điên cắn, trẻ nhỏ bị cam tích, lở ngứa". Tuy nhiên, đáng lưu ý là da, trứng, gan cóc cũng chứa chất bufotoxin, chất kịch độc có thể gây chết người ngay lập tức.

Xã hội - Thịt cóc chỉ nên dùng như thuốc

Trà bông cóc được nhiều người dân ưa dùng

Theo Lương y Đinh Công Bảy, thịt cóc đã làm sạch và an toàn có thể dùng nấu cháo, băm nhỏ với hành và muối để làm chả, tẩm dầu mè để nướng chín. Mỗi ngày ăn một con. Có thể dùng 4 - 5 ngày. Muốn dùng dạng bột thịt cóc thì đem phơi hoặc sấy khô, hoặc rang khô giòn, tán bột, cho vào hũ sành hoặc thủy tinh, để ở chỗ khô ráo, thoáng mát, tránh chỗ ẩm ướt.

Để chữa trẻ em suy dinh dưỡng, gầy còm, bụng ỏng, da vàng, dùng hai đùi cóc, phết dầu mè nướng chín, cho ăn lúc đói bụng. Làm thịt cóc cần người có kinh nghiệm. Thịt cóc được làm thật sạch và phải kiểm tra cẩn thận trước khi sử dụng, vì đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc dẫn đến tử vong do chế biến không đúng cách. Tốt nhất nên nhờ những người chuyên làm thịt cóc chế biến, có sự theo dõi kỹ lưỡng.

Lương y Huỳnh Văn Quang (Chủ nhiệm Phòng khám Đa khoa thuộc Hội Đông y Q.5, TP.HCM): Theo Đông y thì thịt cóc có tính mát, có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhất là đạm nên rất tốt cho trẻ em, thường được người dân nấu cháo để bồi bổ. Đông y xem thịt cóc là vị thuốc chính yếu chữa trị các chứng cam (ăn không tiêu, bụng to, nổi gân xanh...). Thực tế, thịt cóc không độc, nhưng mật cóc, trứng cóc và nhựa cóc thì rất nguy hiểm. Vậy toàn bộ da, đầu, trứng, nội tạng của cóc phải loại bỏ và để an toàn, nên rửa thịt cóc dưới vòi nước thật nhiều lần trước khi chế biến.

Bài thuốc Lục thần hoàn trong Đông y có vị Thiềm tô được làm bằng mật cóc. Thiềm tô còn có bài thuốc khác là kết hợp với Đại toán (tỏi) hàm lượng bằng nhau, đem ngâm rượu một tuần. Cả hai bài thuốc Lục thần hoàn và Thiềm tô kết hợp với Đại toán đều chữa rất hay chứng tiêu viêm, giảm đau. Nhưng chỉ có thầy thuốc Đông y đặc biệt giỏi mới làm được, còn người bình thường tuyệt đối không nên chế biến những bài thuốc này.

Hiện nay có nhiều nơi làm ruốc cóc, chả bông cóc để bán. Giá bán trên thị trường khá cao so với nhiều loại thực phẩm khác. Việc chế biến ruốc cóc khá công phu, đầu tiên là công đoạn mổ, lột da cóc, chỉ giữ lại phần đùi và phần thân, toàn bộ các bộ phận khác vứt bỏ. Để khử mùi hôi, họ dùng nước cốt chanh hoặc dấm rửa thịt cóc rồi xả nước nhiều lần cho đến khi nước xả phải trong vắt. Một điều đặc biệt lưu ý là phải mổ nhanh, tuyệt đối không cho nhựa cóc dính vào thịt có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng, nhiều gia đình giàu có đưa loại thuốc ruốc cóc, thịt cóc vào chế độ ăn hàng ngày, sự lạm dụng này nếu kéo dài sẽ không có lợi cho sức khỏe, vì ngoài việc không may ăn phải thịt cóc nhiễm độc, còn xảy ra tình trạng dư thừa chất dinh dưỡng, dẫn đến béo phì ở trẻ em và cao huyết áp ở người lớn tuổi. Một bác sĩ đông y khuyến cáo, thịt cóc chỉ dùng làm thuốc, không nên sử dụng như một thực phẩm thông thường hàng ngày.

Công Thư


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.