Tại hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (VN) đã nêu các đề dẫn về thơ hôm nay và đề nghị các nhà văn cùng tham gia lý giải. Nhà thơ Vũ Quần Phương đặt câu hỏi thơ chúng ta đang đi lên hay đi xuống? Và ông trả lời: "Thơ hôm nay đang đi ngang khi thơ chưa thấy đi lên mà cũng không ai muốn tin nó đi xuống".
Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nêu vấn đề sáng tác thơ đang trở thành trào lưu nhưng ít người đọc thơ dẫn đến việc xét, bình chọn trao giải cho thơ hay còn lúng túng; việc thẩm định tác phẩm văn học, mối tương quan giữa hai cực vận động là thơ đại chúng (các câu lạc bộ thơ) và thơ nâng cao (thơ tiêu biểu cho nền thơ ca của một đất nước) để Hội thảo cùng thảo luận.
Nói về sự mất mùa của thơ hôm nay khi năm 2017 Hội Nhà văn VN và Hội Nhà văn Hà Nội không trao giải thưởng cho thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến băn khoăn: Phải lý giải sao đây khi thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả, phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? Phải chăng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng?
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng cho rằng: Hiện đang tồn tại một thực trạng người sáng tác thơ quá nhiều, nhưng không có thơ hay. Và câu hỏi đặt ra, phải chăng thời đại vàng son của thi ca đã qua, và thơ ca hiện nay đang chịu lép vế trước cơn lốc của công nghệ...
Tiếng nói của nhà thơ không thể đại diện cho tiếng nói của trí thức, nhà thơ hiện nay đã xa rời đời sống cần lao của người lao động nên thi ca không đủ sức lay động lòng người?
Hiện nay, sự xuất hiện của các cây bút trẻ đã có sự tìm tòi, thể nhiệm mới. Song họ có đủ sức tạo nên một dòng chảy, xây dựng hệ thống thư pháp mới cho thơ ca hiện nay hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.
Nhà phê bình Lê Thành Nghị phân tích một số đặc điểm chính của "bức tranh" thơ Việt Nam hiện đại: Thơ cốt ở lời, thơ cốt ở ý, thơ cách tân, thơ đổi mới trên cơ sở truyền thống và ông kết luận "Thơ Việt đang chuyển động và tôi không bi quan về tình trạng thơ ít người đọc hiện nay".
Quan tâm đến thơ tự do, nhà thơ Thanh Thảo bàn về những đóng góp cách tân của thơ văn xuôi, thơ không vần luật và khẳng định thơ tự do là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài của thơ và thơ tự do đã tiềm ẩn ngay từ khi nhân loại biết làm thơ.
Nhà thơ Thanh Thảo cũng nêu vấn đề hiện đã không còn những đề tài cấm kỵ trong thi ca, nhưng một khi đã có thơ tự do, đã làm được thơ tự do thì nhà thơ đừng bao giờ quên rằng tự do tâm hồn mình, tự do tư duy mình mới là cái “tự do đầu tiên và cuối cùng”, nó quyết định cho thơ tự do của mình có thực sự tự do hay không?.
Chứ nếu chỉ đánh vật với lời chữ, chỉ “tân hình thức” một cách rắc rối, và vô bổ trong khi không biết mình đang “múa gậy trong bị” một cách thê thảm thì chẳng bao giờ có được thơ tự do theo đúng nghĩa. Sự tự do trong thơ là không có định hướng, nhưng rất cần một cốt lõi. Cốt lõi ấy, với nhà thơ Việt là tinh thần dân tộc, là lòng yêu nước, sự tìm tòi về với cội nguồn nhân dân.
Bàn về thơ cách tân, nhà thơ Mai Văn Phấn nhấn mạnh: "Căn tính dân tộc làm nên cốt cách văn hoá của mỗi con người trong dân tộc ấy và đã làm nên diện mạo tinh thần của mỗi nhà thơ". Cuộc hội thảo đã lắng nghe 29 ý kiến của các nhà văn.
Đánh giá chung cuộc hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn cho rằng các ý kiến đóng góp khá phong phú và nhận định thơ hay là thơ phải đọng lại lâu bền trong lòng người và thơ đương đại đang đa dạng hoá và kết tinh hoá khi thơ đổi mới trên cơ sở các giá trị truyền thống của thơ phương Đông cùng với những cách tân của thơ hiện đại phương Tây.
Việt Chiến