Chiến dịch truy quét lớn
Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn lời Bộ trưởng bộ Nội vụ Suleyman Soylu cho hay, ngày 26/4, nước này đã bắt giữ 1.009 người trong một chiến dịch truy quét lớn trên 81 tỉnh của đất nước.
Động thái trên được mô tả là một “bước đi quan trọng” của Chính phủ nhằm “hạ gục” phong trào của Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ.
Những người bị bắt giữ được cho là những “gián điệp” của ông Gulen và đã chỉ đạo những người thuộc lực lượng cảnh sát tiến hành âm mưu đảo chính vào hồi tháng Bảy năm ngoái.
Bộ trưởng Nội vụ cho hay, những cá nhân trên đã “trà trộn vào lực lượng cảnh sát và điều khiển họ từ phía ngoài, bằng cách thành lập một tổ chức cảnh sát khác và phớt lờ chính quyền”.
Khoảng 8.500 cảnh sát đã tham gia vào chiến dịch truy quét quy mô lớn này.
Hồi tháng 7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra một cuộc đảo chính quân sự nhưng không thành công. Ngay sau đó, chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đã tiến hành một đợt truy quét lớn, bắt giữ hàng chục ngàn người có liên quan. Ông Erdogan khẳng định cuộc đảo chính được thực hiện bởi ông Gulen.
Kể từ đó, đã có khoảng hơn 47.000 người bị bắt giữ, trong đó có 10.700 cảnh sát và 7.400 người phục vụ trong quân đội.
Ông Gulen đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc có liên quan tới cuộc đảo chính. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn gây sức ép yêu cầu Mỹ phải trục xuất giáo sĩ này về nước.
Quyền lực của ông Erdogan
Hôm 17/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý, nhằm sửa đổi Hiến pháp và trao những đặc quyền hành pháp mới cho chức danh Tổng thống.
Những thay đổi trong Hiến pháp đã biến Thổ Nhĩ Kỳ từ một đất nước theo hệ thống nghị viện sang một hình thức mới, giúp Tổng thống có nhiều quyền hạn hơn. Theo giới chuyên gia, ông Erdogan sẽ có thể trở thành “siêu Tổng thống”.
Theo đó, ông Erdogan sẽ có quyền tự quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, mà không cần phải thông qua Quốc hội. Cũng theo quy định mới, Tổng thống được phép chỉ định nội các và số lượng Phó Tổng thống không giới hạn. Thậm chí, người đứng đầu Nhà nước còn có quyền bãi nhiệm những quan chức cấp cao, mà không cần sự thông qua của Quốc hội.
Những thay đổi trên có hiệu lực từ năm 2019. Nhiều khả năng ông Erdogan sẽ tiếp tục chiến thắng trong kỳ bầu cử tiếp theo và sẽ nắm quyền cho tới năm 2029.
Xem thêm: So sánh tàu sân bay Trung Quốc vừa hạ thủy với siêu tàu sân bay Mỹ
Danh Tuyên