Câu chuyện S-400 và S-300
Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định, sự phản đối của Mỹ và NATO về quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất là “đạo đức giả” vì nước láng giềng Hy Lạp chưa bao giờ phải chịu sự giám sát kỹ lưỡng như vậy đối với thương vụ mua hệ thống S-300 trong quá khứ.
Câu hỏi đặt ra là lập luận như vậy của Ankara có lý hay không?
Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng S-400 vào năm 2017, nước này đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng hệ thống bất chấp những cảnh báo nhắc lại từ Mỹ và NATO, vốn luôn viện dẫn vấn đề không tương thích với hệ thống vũ khí do phương Tây chế tạo.
Sau thử nghiệm S-400 vào tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nhắc lại lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc Mỹ và NATO phản đối S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc thử nghiệm hệ thống này là không chính đáng.
“Mỗi thương vụ mua sắm quốc phòng đều bao gồm các bài kiểm tra và điều khiển hệ thống”, ông nói. Nhà lãnh đạo quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh thêm, S-400 sẽ không được tích hợp với mạng lưới NATO mà thay vào đó sẽ được "sử dụng như một hệ thống độc lập tương tự như trường hợp từng sử dụng S-300 do Nga sản xuất trong NATO trước đó". Theo Forbes, đây rõ ràng là một tham chiếu đến Hy Lạp.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tiến thêm một bước vào ngày hôm sau khi tuyên bố có sự tồn tại tiêu chuẩn kép trắng trợn liên quan đến việc Athens không hề bị trừng phạt dù sở hữu hệ thống S-300.
Ngược dòng quá khứ, Hy Lạp nhận được S-300 sau cuộc khủng hoảng lớn vào cuối những năm 1990 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Síp. Thời điểm đó, Nicosia mua hệ thống tên lửa từ Moscow để ngăn chặn người Thổ Nhĩ Kỳ bay qua vùng trời thiếu phòng bị của nước này. Ankara nhiều lần đe dọa sẽ phá hủy các tên lửa nếu chúng được triển khai trên đảo. Điều này dẫn đến bế tắc chỉ được xoa dịu khi Nicosia đồng ý chuyển tên lửa cho Hy Lạp. Đó là cách mà S-300 đến Crete và vẫn ở lại cho đến ngày nay.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đều nêu ra những lo ngại về khả năng tương tác từ S-300 của Hy Lạp.
Năm 1999, các nhà ngoại giao phương Tây chỉ ra rằng S-300 của Hy Lạp, được thiết kế để chống lại các máy bay quân sự của NATO và phương Tây, có khả năng không xác định được máy bay chiến đấu F-16 của không quân Hy Lạp là máy bay của quân mình và nhắm mục tiêu vào chúng. Tầm bắn xa của tên lửa đồng nghĩa là chúng có khả năng làm điều tương tự với các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động xa ngoài không phận Hy Lạp.
Một nhà ngoại giao phương Tây cảnh báo vào thời điểm đó: “Các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể bay trong tầm bắn của tên lửa trong các chuyến bay thường lệ trên không phận quốc tế. Các máy bay này sẽ bị khóa mục tiêu và khiến Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả”.
Một sự cố như vậy có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn giữa hai đối thủ.
Có phải tiêu chuẩn kép?
Trong một động thái trớ trêu, chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định rằng không thể chấp nhận được việc các thành viên NATO của mình có những hệ thống tên lửa của Nga.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lúc bấy giờ là Ismail Cem cảnh báo, S-300 của Hy Lạp trên đảo Crete sẽ cần sự trợ giúp của các kỹ thuật viên Nga để thiết lập, đồng thời cho rằng Athens sẽ đe dọa đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ với sự giúp đỡ của Nga.
Cuối cùng, tên lửa đã được đưa vào kho và không được kích hoạt cho đến năm 2013, khi chúng được sử dụng trong một cuộc diễn tập quân sự. Chúng dường như không được tích hợp vào mạng lưới phòng không lớn của Hy Lạp.
Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng họ có cơ sở hợp lý để buộc tội “đạo đức giả” vì đã nhiều lần nhấn mạnh rằng S-400 của mình sẽ không được tích hợp với các hệ thống của NATO hoặc các hệ thống phòng không khác của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời sẵn sàng thảo luận về các vấn đề tương thích giữa S-400 và F-35.
“Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức rõ về những lời chỉ trích của Mỹ đối với thương vụ mua hệ thống tên lửa S-400. Trong lời tuyên bố công khai của mình, Ankara không ngừng nỗ lực để giảm bớt những lo ngại của Mỹ bằng cách sử dụng một lập luận nhiều mặt”, George Tzogopoulos, thành viên cấp cao tại trung tâm International de Formation Européenne và cộng sự nghiên cứu tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin Sadat (BESA), cho biết.
“Thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 và việc lắp đặt S-300 trên đảo Crete là hoàn toàn khác nhau”, Tzogopoulos chỉ ra. “Phải nói rằng, tác động đến lợi ích của Mỹ cũng khác nhau”.
Điều này là do thương vụ của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào thời điểm Washington đang coi Nga là đối thủ, trong khi việc Hy Lạp mua S-300 từ Síp diễn ra trong “giai đoạn mà quan hệ Mỹ-Nga đã tốt hơn và hợp tác NATO-Nga đang trên đà phát triển chương trình nghị sự".
“Tóm lại, Washington hiện đang lo ngại về những động lực chung ở chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi lại tỏ ra tin tưởng Hy Lạp là trụ cột ổn định ở Đông Địa Trung Hải”, Tzogopoulos nêu quan điểm.
"Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng trong khi quan hệ Hy Lạp-Mỹ đã được nâng lên mức cao nhất trong lịch sử, bao gồm cả hợp tác quốc phòng”.
"Mỹ chắc chắn muốn duy trì Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác đáng tin cậy của NATO nhưng nỗ lực như vậy phức tạp hơn so với Hy Lạp, vì nước này không gây ra các vấn đề tương tự cho liên minh".