Thổ Nhĩ Kỳ có 3 chiến lược để kết thúc "ván bài Syria", nhưng không cách nào hoàn hảo: Chọn Nga hoặc Mỹ, hay tự lực cánh sinh?

Thổ Nhĩ Kỳ có 3 chiến lược để kết thúc "ván bài Syria", nhưng không cách nào hoàn hảo: Chọn Nga hoặc Mỹ, hay tự lực cánh sinh?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 19/03/2020 18:01

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang loay hoay trong cách sử dụng chiến lược ở Idlib. Có ba cách tiếp cận nổi bật mà Ankara đang cân nhắc tiến hành ở Idlib nói riêng và Syria nói chung.

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ có 3 chiến lược để kết thúc 'ván bài Syria', nhưng không cách nào hoàn hảo: Chọn Nga hoặc Mỹ, hay tự lực cánh sinh?

Tuần tra chung không thành ở cao tốc M4, Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm hướng xử lý phù hợp.

Tuần tra chung thất bại

Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với một vấn đề nan giải trong việc tiến hành thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib cũng như tìm hướng đi phù hợp nhất để hoàn thiện “bức tranh” cuối cùng ở Syria.

Trong cuộc họp ngày 5/3, Nga-Thổ đã đồng ý thiết lập một hành lang an toàn với độ sâu 6 km ở hai bên đường cao tốc M4 chiến lược, đồng thời cả hai sẽ cùng tuần tra chung tại đây để đảm bảo tránh leo thang quân sự.

Hai bên đã phân chia quyền kiểm soát hành lang, với Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm phần phía Bắc và phía Nga hậu thuẫn cho lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - phụ trách phần phía Nam.

Cuộc tuần tra chung đầu tiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày 15/3 đã phải dừng lại sớm hơn dự định cho hành động khiêu khích của các nhóm phiến quân, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.

Giờ đây, Ankara đang trong tình thế mắc kẹt khi một bên phải đáp ứng yêu cầu của Moscow theo thỏa thuận và một bên là phiến quân phản đối kế hoạch tuần tra.

Đáng chú ý, bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được trước đó, hầu hết lực lượng quân đội Syria vẫn ở giữ vững vị trí dọc theo chiến tuyến ở miền Nam Idlib, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục tăng cường quân đội tới khu vực.

Al-Monitor dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, rất có thể lực lượng của Tổng thống Assad sẽ tiến hành một hoạt động quân sự hạn chế trong những tuần tới để giành quyền kiểm soát Jabal Zawiya, ngọn núi chiến lược trong khu vực và hầu hết vùng đồng bằng Ghab màu mỡ, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Damascus rõ ràng đang cố gắng thuyết phục Moscow về một cuộc tấn công hạn chế như vậy với lý do thỏa thuận ngày 5/3 không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các nhóm phiến quân ở phía Nam hành lang an ninh.

Do đó, tình trạng của đường cao tốc M4 và câu hỏi làm thế nào để giải quyết các nhóm cực đoan không tuân thủ lệnh ngừng bắn đang đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào thế khó xử.

Moscow cần hành lang an ninh dọc theo M4 để bảo vệ sự hiện diện quân sự của chính mình ở Latakia và căn cứ không quân Khmeimim khỏi các cuộc tấn công của phiến quân cực đoan.

Sự sắp xếp hành lang an ninh dường như đã đặt lên vai Ankara hai gánh nặng. Đầu tiên là cam kết thực hiện tất cả các biện pháp, bao gồm cả hành động quân sự, chống lại những kẻ cực đoan ở phía bắc cao tốc M4, những nhóm không chấp thuận lệnh ngừng bắn của Moscow mà tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu.

Gánh nặng thứ hai liên quan đến dân cư ở phía Nam M4 đang có nguy cơ trở thành làn sóng tị nạn tràn đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, các nhà phân tích cho biết, liên quân Nga-Syria chỉ muốn chiếm lại thành trì chiến lược Idlib chứ không muốn giữ lại cư dân tại đây, vì nó hầu hết là các nhóm dân tị nạn từ khắp nơi, gồm các chiến binh phe đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cùng với gia đình.

3 cách tiếp cận không hoàn hảo của Thổ Nhĩ Kỳ

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ có 3 chiến lược để kết thúc 'ván bài Syria', nhưng không cách nào hoàn hảo: Chọn Nga hoặc Mỹ, hay tự lực cánh sinh? (Hình 2).

Ankara có 3 chiến lược tiếp cận ở Idlib.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang loay hoay trong cách sử dụng chiến lược ở Idlib. Có ba cách tiếp cận nổi bật mà Ankara đang cân nhắc tiến hành ở Idlib nói riêng và Syria nói chung.

Đầu tiên là tận dụng cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Iran ở Syria, vốn trở nên căng thẳng hơn kể từ sau vụ ám sát tướng Qasem Soleimani vào tháng 1. Theo đó, sự bế tắc ở Idlib mang đến cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội để rời bỏ Nga và Iran, hướng tới củng cố quan hệ với Tổng thống Donald Trump.

Ý tưởng này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tái cân bằng mối quan hệ với Nga, vốn được coi là bất cân xứng (khi Moscow luôn ở thế cửa trên) và mở đường cho sự hiện diện quân sự lớn hơn ở Syria bằng cách nối lại hợp tác quân sự với Mỹ và Israel thay vì Nga và Iran như trước đây.

Nói một cách rõ ràng hơn, Ankara sẽ rời bỏ trục Nga-Iran để “bắt con tàu” Mỹ-Israel ở Syria.

Cách tiếp cận thứ hai là bất chấp những lời đề nghị từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nên ở lại với trục Nga-Iran và cố gắng xử lý khủng hoảng cho đến khi cái kết cuối cùng hình thành ở Idlib nói riêng và Syria nói chung.

Lập luận chính trong cách tiếp cận này là Mỹ không nên được coi là một đối tác tin cậy, do nước này vẫn duy trì sự hợp tác quân sự với phiến quân người Kurd ở Syria bất chấp sự phản đối lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về quan điểm thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nên tuân theo chính sách cân bằng giữa cả hai trục Mỹ-Israel và Nga-Iran, đồng thời sử dụng thế mạnh quân sự của chính mình trên mặt đất như một công cụ ngoại giao cưỡng chế, giống như trong chiến dịch quân sự ở Idlib hồi tháng 2.

Mấu chốt cơ bản ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ cần thể hiện năng lực quân sự để buộc Mỹ và Nga phải quan tâm đến lợi ích của mình ở phía Đông và phía Tây của Euphrates.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này có hai chi tiết cần lưu ý. Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ gần như không thể sử dụng sức mạnh không quân vì Nga khóa không phận ở Syria. Thứ hai, khả năng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có khả năng cầm cự và kiểm soát được lãnh thổ nữa hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Lúc này, quyết định cách tiếp cận nào không phải là một sự lựa chọn dễ dàng đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì nó sẽ buộc nước này phải từ bỏ một mục đích nào đó.

Nếu tiếp tục liên kết với trục Nga-Iran, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải hòa giải và nhường lại lãnh thổ cho chính quyền Assad, trong khi lựa chọn hợp tác với trục Mỹ-Israel sẽ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt lập trường cứng rắn đối với người Kurd.

Còn nếu chọn cách tiếp cận dùng sức mạnh chính mình để đạt được mục đích thì Ankara sẽ có nguy cơ đối đầu cùng một lúc với cả Washington, Moscow, Tehran và Damascus trên chiến trường.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.