Việc Mỹ lên kế hoạch rút khỏi Syria đang làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về việc giành quyền kiểm soát một khu vực trọng yếu của quốc gia Trung Đông, theo Moscow Times.
Nga đang gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho một cuộc tấn công vào Idlib, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh cực đoan có liên quan đến khủng bố al-Qaeda vào tháng trước, một quan chức cấp cao giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Đồng thời, Điện Kremlin đang phản đối nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để thiết lập vùng đệm bên trong Syria nhằm chống lại các chiến binh người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 13/2 chỉ ra rằng sự kiên nhẫn của Moscow đang bắt đầu cạn kiệt ở Idlib, nói rằng nước này không thể chấp nhận sự tồn tại mãi mãi của các nhóm khủng bố ở đây. “Nga sẽ làm mọi cách để giúp Chính phủ Syria và các lực lượng vũ trang giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải phóng lãnh thổ”, ông nói.
Chủ đề này được cho là sẽ chi phối các cuộc đàm phán về Syria vào ngày 14/2 giữa Tổng thống Vladimir Putin, người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và nhà lãnh đạo Iran Hassan Rouhani tại khu nghỉ mát Sochi của Nga.
Đây là cuộc gặp đầu tiên của họ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tháng 12 rằng ông sẽ rút khoảng 2.000 lính Mỹ khỏi Syria, một động thái được giới quan sát đánh giá là sẽ thay đổi cán cân lực lượng trên mặt đất.
Tổng thống Trump đã một lần nữa nhấn mạnh cam kết vào tuần trước trong bài phát biểu thông điệp liên bang của mình ngay cả khi các nhà phê bình trong nước kêu gọi ông tránh một cuộc rút quân nhanh chóng có thể gây nguy hiểm cho đồng minh người Kurd đang chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, tất cả đều có lực lượng ở Syria, đang chờ xem liệu ông có thực hiện đúng cam kết hay không.
“Tất cả mọi thứ đều đang xoay quanh kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Syria”, chuyên gia về Trung Đông ở Moscow - Elena Suponina đánh giá.
Cuộc tấn công cuối cùng
Tướng Joseph Votel của Mỹ, người chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, cho biết ngày 10/2 rằng việc rút quân có thể sẽ bắt đầu trong vòng vài tuần. Bình luận của ông được đưa ra khi các chiến binh người Kurd do Mỹ hậu thuẫn bắt đầu một cuộc tấn công cuối cùng nhằm đánh đuổi IS khỏi biên giới Syria với Iraq.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã báo hiệu rằng Ankara có thể đồng ý với một cuộc tấn công hạn chế của quân Chính phủ do Nga hậu thuẫn để chiếm lại Idlib. Tuy nhiên, đây sẽ là một trở ngại cho Thổ Nhĩ Kỳ vì điều này sẽ củng cố lợi ích cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đang tìm cách khai thác sự ra đi của quân đội Mỹ để lấy lại các tỉnh giàu dầu mỏ do người Kurd nắm giữ.
Ankara coi các chiến binh người Kurd là những kẻ khủng bố có liên quan đến phe ly khai bên trong lãnh thổ của mình. Chính quyền Erdogan muốn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập vùng đệm ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, một kế hoạch mà Mỹ ủng hộ nhưng Nga coi đó là mối đe dọa đối với lợi ích của họ ở Syria.
Trong khi một số lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển đến gần thành phố Manbij, các quan chức Nga đã nói nhiều lần nói rằng, họ muốn các lực lượng Syria mới là nhân tố đảm bảo an ninh bên trong biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Yury Barmin, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, khẳng định rằng: “Tất cả các ý kiến đến từ các quan chức ở Nga đều nói khá rõ ràng về việc chúng tôi sẽ không cho phép một cường quốc nước ngoài kiểm soát vùng đệm ở Syria”.
Hiệp ước an ninh
Tổng thống Putin đã đề xuất hồi sinh một hiệp ước an ninh năm 1998 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong các cuộc đàm phán với người đồng cấp Erdogan tại Moscow vào tháng trước, thúc đẩy nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ với chính quyền Assad vốn dĩ vẫn còn đối lập nhau trong vài năm qua.
Hiệp ước này bắt buộc Syria phải ngăn chặn các hoạt động trên lãnh thổ của mình có thể gây nguy hiểm cho an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới để tự vệ nếu chính quyền Damascus không kiềm chế được chiến binh người Kurd.
Các phe nhóm cực đoan đã tiến hành kiểm soát Idlib vào tháng trước bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9 do Moscow và Ankara được đảm bảo . Trong khi Nga nóng lòng tiến hành một cuộc tiến công truy quét những thành phần khủng bố ra khỏi Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một cuộc tấn công quân sự có thể làm nổ ra làn sóng người tị nạn mới chạy trốn đến quốc gia này, nơi đã có khoảng 4 triệu người tị nạn sinh sống.
Suponina, nhà phân tích Trung Đông cho biết, vấn đề này không thể được giải quyết một cách cô lập: “Nó có liên quan đến tình hình ở phía đông bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lợi ích”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thuyết phục được lực lượng có liên quan đến khủng bố al-Qaeda rút khỏi các khu vực ở Idlib, nhưng các cuộc tấn công ngày càng tăng của quân đội Syria đang đe dọa dẫn đến một tình huống mong manh, một quan chức cấp cao giấu tên khác của Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng ngăn chặn và trì hoãn bất kỳ hành động quân sự nào ở Idlib càng lâu càng tốt để chờ xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào sau khi bắt đầu cuộc rút quân của Mỹ”, Nihat Ali Ozcan, chiến lược gia của Quỹ nghiên cứu chính sách kinh tế có trụ sở tại Ankara, cho biết. “Tuy nhiên, Nga đang ngày càng mất kiên nhẫn”.