Mục tiêu to lớn
Khi sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ giúp Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) đẩy lùi cuộc tiến công của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và thay đổi diễn biến trên thực địa, Ankara đã nghĩ rằng cán cân quyền lực có lợi cho mình sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Thừa thắng xông lên, Lực lượng GNA đang đe dọa chiếm lại bến cảng chiến lược Sirte và căn cứ không quân Al-Jufra, nơi đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi LNA cách Tripoli vài trăm km về phía Nam.
Việc chiếm giữ hai mục tiêu quân sự quan trọng này được Chính phủ GNA coi là điều bắt buộc để đảm bảo nguồn thu dầu mỏ thông suốt đối với ngân sách quốc gia. Giới quan sát cũng dự kiến rằng chiến dịch chiếm lại Sirte sẽ được hoàn thành trong vòng vài tuần, nếu không muốn nói là chỉ vài ngày, nhưng điều này đã không thành hiện thực do phản ứng mạnh mẽ của các thế lực đang tham gia vào cuộc xung đột Libya.
Pháp và UAE đã ra tuyên bố phản đối cuộc tiến công của GNA nhằm mục đích đánh chiếm Sirte. Ai Cập thậm chí còn có động thái cứng rắn hơn nữa, khi Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi nhấn mạnh, bất kỳ động thái nào của lực lượng GNA nhằm chiếm Sirte và Al-Jufra đều là lằn ranh đỏ đối với Cairo.
Ông đã đến thăm các đơn vị quân đội Ai Cập tại biên giới Libya và triệu tập một cuộc họp với thủ lĩnh của các bộ lạc của Libya để tìm kiếm sự ủng hộ. Sau đó, ông được sự đồng ý của Quốc hội Ai Cập để gửi quân ra nước ngoài.
Các bên liên quan chính ở Libya tin rằng tình hình sẽ khó tránh khỏi đổ máu nếu GNA theo đuổi mục tiêu chiếm lấy Sirte bằng được. Trong số đó, Nga đang nỗ lực để đảm bảo một lệnh ngừng bắn.
Nhưng về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA lo ngại rằng, nếu thỏa thuận ngừng bắn được thực hiện, tướng Haftar sẽ tận dụng cơ hội để thay đổi cán cân quân sự có lợi cho mình bằng cách chiêu mộ thêm lính đánh thuê.
Bất chấp sự miễn cưỡng ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cuối cùng đã thuyết phục được Ankara ra tuyên bố chung ngừng bắn ở Libya vào ngày 22/7. Đây có thể không được coi là một thỏa thuận quốc tế chính thức, nhưng sự bình yên tương đối đã hiện hữu sau cái bắt tay nói trên.
Hướng đi khôn ngoan
Mới đây, có báo cáo ghi nhận các máy bay chưa xác định đã tấn công căn cứ không quân Al-Watiya và phá hủy các thiết bị do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Mặc dù phía Ankara không lên tiếng cáo buộc Nga nhưng rất có thể Moscow đã biết về vụ tấn công. Nga có thể không giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này nhưng họ cũng không làm gì để ngăn chặn.
Dường như Ankara đã nhận được thông điệp rằng việc lắp đặt thiết bị quân sự mới ở Libya và bảo vệ các tài sản này vĩnh viễn sẽ không phải là điều dễ dàng. Do đó, ý tưởng tái chiếm Sirte không được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thường xuyên như trước đây.
Giờ đây, Ankara sử dụng câu chuyện gần giống với cách mà Nga sử dụng: Rằng người dân Libya cần hòa bình, ổn định và giải pháp cho cuộc khủng hoảng phải do người Libya làm chủ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ngừng bắn trên thực tế với Nga chắc chắn là hướng đi khôn ngoan nhất trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng nó cũng cho thấy những giới hạn trong hợp tác với Moscow, vì mục tiêu hàng đầu của Nga cũng là chuẩn bị nền tảng tương lai cho sự hiện diện của mình ở quốc gia Bắc Phi. Cách tiếp cận này có thể gây nguy hiểm cho việc đạt được các mục tiêu của Ankara ở Libya.
Đến thời điểm cần thiết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa hợp tác với Nga hay phương Tây. Ankara không thể cưỡi hai chiến mã cùng một lúc. Dù cho thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên của liên minh quân sự NATO.
Bất chấp những tranh cãi gần đây, không có cơ chế pháp lý nào để loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO.
Đối với mối quan hệ Ankara và Mỹ, mặc dù có rất nhiều vấn đề hóc búa chưa được giải quyết, nhưng xu hướng truyền thống của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là ủng hộ liên minh xuyên Đại Tây Dương. Phần lớn quân đội nước này được đào tạo theo các chương trình giáo dục quân sự của NATO và học thuyết quân sự của NATO.
Giờ đây, khi một lần nữa phải đối mặt với những thử nghiệm mới về mối quan hệ hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ phải thận trọng khi “đi trên dây” ở Libya. Đó là kỹ năng sẽ đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo và ngoại giao tinh tế.