Nga dang tay chào đón
Người phát ngôn của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự Liên bang Nga Valeria Reshetnikova phát biểu hôm thứ Sáu: Nga đã sẵn sàng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57, nếu nhận được đề nghị.
“Đối với kế hoạch của Ankara về việc mua kiêm tích Su-35 và Su-57, Thổ Nhĩ Kỳ đã được cung cấp đầy đủ các thông số kỹ thuật cần thiết. Nếu Thố Nhĩ Kỳ yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng bước vào các cuộc đàm phán”, người phát ngôn cho biết.
Ông Reshetnikova cũng cho biết thêm: “Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tuyên bố về kế hoạch thực hiện dự án phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 TF-X của riêng họ. Trước đó, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng hợp tác trong chương trình này. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được lời đề nghị chính thức từ phía Ankara”.
Do mua hệ thống S-400 của Nga mà Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35. Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là hành động bất công. Hiện tại, Ankara đang có nhiều hoạt động vận động hành lang để đòi lại công bằng cho mình.
Màn cất cánh và hạ cánh ngoạn mục của F-35.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình tiêm kích của Mỹ cũng sẽ là cơ hội với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể tạm biệt Mỹ tìm đến Nga để cùng thực hiện chương trình tiêm kích thế hệ thứ 5.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu sức ép lớn từ Mỹ (do mua hệ thống S-400 của Nga). Các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn giữ vững lập trường nhất quán của họ và hiểu rằng đâu là vấn đề an ninh quốc gia”, một quan chức quốc phòng Nga tuyên bố.
Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugayev tiết lộ, Thổ Nhĩ Kỳ tự hào về khả năng phòng vệ của S-400. “Tôi tin, chúng tôi sẽ tiến xa hơn trong tương lai”, ông nói.
Thoả thuận S-400
Tháng 9/2017, Nga tuyên bố ký thoả thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không cho Ankara. Theo hợp đồng, Ankara đã nhận được 2 tiểu đoàn S-400. Thỏa thuận cũng bao gồm việc chuyển giao một phần công nghệ sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 đã khiến Mỹ và NATO phản ứng gay gắt. Mỹ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống phòng không của Nga.
Vì Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không chịu khuất phục trước sức ép và tuyên bố không từ bỏ hệ thống S-400, Washington đã loại Ankara ra khỏi chương trình phát triển máy bay ném bom thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ.
Mỹ cũng đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc thực hiện các lệnh trừng phạt vì mua S-400. Tuy nhiên, Mỹ chưa vội vàng thực hiện ngay vì lo ngại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày càng xấu đi. Bởi, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được coi là nước lớn về tiềm lực quân sự trong khối NATO.
S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO là SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung. Hệ thống được đưa vào sử dụng từ năm 2007. S-400 Triumf được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất. S-400 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 400 km và ở độ cao lên tới 30 km trong điều kiện gây nhiễu cũng như hoả lực mạnh của đối phương.
HOÀ AN (Theo TS)