Thổ Nhĩ Kỳ "hạ đo ván" Nga ở Libya: Thời đại của hệ thống phòng không "lụi tàn", UAV "lên ngôi"?

Thổ Nhĩ Kỳ "hạ đo ván" Nga ở Libya: Thời đại của hệ thống phòng không "lụi tàn", UAV "lên ngôi"?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 17/08/2020 19:00

Kể từ cuộc chiến ở Syria và bây giờ ở Libya, UAV đã tạo nên cuộc cách mạng. Hóa ra, máy bay không người lái là phương tiện rất hiệu quả để chống lại các hệ thống tên lửa phòng không, ngay cả những thế hệ mới nhất.

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ 'hạ đo ván' Nga ở Libya: Thời đại của hệ thống phòng không 'lụi tàn', UAV 'lên ngôi'?

UAV Wing Loong của Trung Quốc.

UAV Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ so kè

Trong cuộc chiến ở Libya, bầu trời quốc gia này tràn ngập các máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Bài phân tích trên trang Gazeta.ru (Nga) cho rằng đất nước Bắc Phi đã trở thành phòng thí nghiệm quân sự cho các cuộc chiến trên không. Cuộc xung đột này đã giúp cho các nhà lãnh đạo quân sự thu được kinh nghiệm trong lập kế hoạch và chiến đấu bằng những vũ khí công nghệ cao mới.

“Libya một lần nữa nhấn mạnh giá trị của máy bay chiến đấu - bạn không thể tham chiến mà không có nó”, Defense News dẫn lời Douglas Barry, nhà nghiên cứu không quân vũ trụ quân sự cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London đánh giá.

Xung đột ở Libya bắt đầu leo ​​thang vào tháng 4/2019, khi tướng Khalifa Haftar lãnh đạo Quân đội Quốc gia Libya phát động chiến dịch chiếm Thủ đô Tripoli đang do Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) kiểm soát.

Với sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài, bao gồm UAE, Ai Cập, Pháp và những nước khác, LNA đã có được nhiều lợi thế trong cuộc chiến trước GNA được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Qatar.

Tháng 4 năm ngoái đánh dấu sự tham chiến của máy bay không người lái Wing Loong II do UAE vận hành. Wing Loon II là một máy bay không người lái trinh sát và tấn công. Về ngoại hình, Wing Loong II khá giống với các mẫu MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của Mỹ.

“Người Trung Quốc biết cách bán các thiết bị bay không người lái ở Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Iraq. Do trước đây Mỹ bị hạn chế trong việc bán loại thiết bị quân sự này nên Trung Quốc đã nhanh chóng xác định thị trường ngách của họ và khéo léo tận dụng”, ông Barry nói.

Tuy nhiên, màn trình diễn ấn tượng nhất về UAV lại không phải UAE mà là Thổ Nhĩ Kỳ. Vào tháng 5/2019, Ankara đã trình diễn trên chiến trường ở Libya máy bay không người lái tự sản xuất là Bayraktar TV2 (“Standard Bearer”), một UAV chiến thuật độ cao tầm trung, có thời gian bay dài.

Các UAV loại này đã tấn công lực lượng tướng Khalifa Haftar, phá hủy hệ thống tên lửa phòng không hỗ trợ Pantsir do Nga sản xuất, qua đó giúp chấm dứt tham vọng chiếm Tripoli của LNA.

“Thổ Nhĩ Kỳ chuyên phát triển và sản xuất UAV. Họ có lẽ đã sử dụng Libya làm phòng thí nghiệm trong các điều kiện chiến đấu để có những hiệu chỉnh cần thiết”, Barry giải thích.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng UAV TB2 ở Libya là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Chuyên gia Jalel Harchaoui thuộc viện Klingendaal ở Hà Lan cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận họ yếu thế ở một mảng nào đó nhưng cách tiếp cận mới này đã khiến các đối thủ bất ngờ”.

Nhu cầu vũ khí chống UAV

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ 'hạ đo ván' Nga ở Libya: Thời đại của hệ thống phòng không 'lụi tàn', UAV 'lên ngôi'? (Hình 2).

 UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đâu là lý do cho sự thành công của Ankara? Trước hết là giá thành của UAV. “Trước đây, việc chế tạo một thiết bị tiêu tốn của người Thổ Nhĩ Kỳ từ 1-1,5 triệu USD/chiếc, nhưng do công nghệ sản xuất UAV phát triển, chi phí cho mỗi chiếc giảm xuống còn dưới 500 nghìn USD”, Harchaoui nói.

Ông nói thêm rằng việc hiện đại hóa phần mềm và các thay đổi kỹ thuật khác đã làm tăng hiệu quả sử dụng chiến đấu và khả năng trinh sát của UAV Bayraktar TB2. Điều này giúp UAV có thể xác định được độ cao phù hợp trong chiến đấu để tránh bị hệ thống tên lửa phòng không Pantsir bắn trúng.

“Trong khi đó, việc UAE sử dụng UAV Wing Loon II của Trung Quốc về cơ bản không mang bất kỳ cải tiến chiến thuật đặc biệt nào. Bản thân các thiết bị không được phát triển trong quá trình xảy ra xung đột, vì vậy kết quả hành động của chúng kém ấn tượng hơn”, ông nói thêm.

Giới chuyên gia đánh giá thực tế rằng Libya là một ví dụ khác về hiệu quả ngày càng tăng của máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại.

“Cuộc chiến ở Syria và Libya đã làm thay đổi thế mạnh độc quyền của Mỹ và Israel về máy bay không người lái”, chuyên gia Denis Fedutinov giải thích với Gazeta.ru.

Trung Quốc đã lọt vào danh sách các nhà phát triển và cung cấp hệ thống không người lái chính trên thế giới từ vài năm trước, hiện tại đã vượt qua Israel và cạnh tranh vị trí dẫn đầu của Mỹ.

Thành công trên thị trường quốc tế chủ yếu là do Trung Quốc tự do cung cấp thiết bị thay vì các những hạn chế nghiêm ngặt về việc bán các hệ thống UAV ở Mỹ. Ngoài ra, các hệ thống không người lái được sản xuất tại Trung Quốc mặc dù có những mặt yếu về kỹ thuật, nhưng được lợi đáng kể so với các sản phẩm của các nhà phát triển Mỹ và Israel về giá thành.

Trước đây, gần như bên duy nhất sử dụng máy bay không người lái trong các cuộc chiến là Mỹ. Nhưng, các UAV của họ chủ yếu đánh vào các đội hình thông thường chứ không phải chống lại các mục tiêu công nghệ cao.

Kể từ cuộc chiến ở Syria và bây giờ ở Libya, UAV đã tạo nên cuộc cách mạng thay đổi. Hóa ra, máy bay không người lái là phương tiện rất hiệu quả để chống lại các hệ thống tên lửa phòng không, ngay cả những thế hệ mới nhất, tờ Gazeta.ru đánh giá.

Và, đây là một tình huống sẽ thúc đẩy các nhà phát triển tạo ra các phương tiện mới để chống lại UAV, đặc biệt là vũ khí laser.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.