Nga chưa nguôi giận
Trái ngược với kỳ vọng và động thái xoa dịu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã gia hạn lệnh cấm bay tới Thổ Nhĩ Kỳ vừa hết hạn vào ngày 1/6 vừa qua.
Việc tiếp tục rào chắn đi lại đến Thổ Nhĩ Kỳ - có hiệu lực từ giữa tháng 4 do tỷ lệ lây nhiễm gia tăng ở nước này - dự kiến sẽ kéo dài ít nhất là ba tuần nữa và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành khách sạn của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn phụ thuộc vào khoảng nửa triệu khách du lịch Nga vào mùa du lịch.
Vào năm 2020, có khoảng 2,1 triệu du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành dòng tiền quan trọng để nước này trả các khoản nợ nước ngoài.
Ngoài lo ngại về sức khỏe, quyết định cấm du lịch được coi là một động thái chính trị ăn miếng trả miếng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Ukraine trong bối cảnh bất đồng với Điện Kremlin. Chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Istanbul cũng được cho là đã khiến Moscow không hài lòng.
“Nếu xét số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Nga còn cao hơn số ở Thổ Nhĩ Kỳ, thật khó để tin rằng không có một số động cơ chính trị đằng sau quyết định gia hạn lệnh cấm đi lại đến Thổ Nhĩ Kỳ của Nga”. Emre Ersen, chuyên gia về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga từ Đại học Marmara nói với Arab News.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng du lịch làm đòn bẩy chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga ở biên giới Syria vào tháng 11/2015, Điện Kremlin đã công bố gói trừng phạt kinh tế bao gồm chấm dứt các chuyến bay qua lại giữa hai nước, cắt đứt nguồn cung hơn 3 triệu khách du lịch Nga hàng năm cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Các công ty lữ hành của Nga cũng được kêu gọi không bán các gói du lịch đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mặc dù hai nước đã và đang phát triển quan hệ trong lĩnh vực thương mại và năng lượng, nhưng Nga vẫn lo ngại về vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một thành viên NATO”, chuyên gia Ersen nêu quan điểm.
Một số chính trị gia Nga cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trôi khỏi quỹ đạo của Nga, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách sử dụng “quân bài” du lịch chống lại Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ chơi vơi
Theo chuyên gia Ersen, mối quan hệ quân sự-chiến lược ngày càng lớn giữa Ankara với Ukraine, bên cạnh bất đồng tiếp diễn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vấn đề Syria và Libya, cũng như việc Ba Lan quyết định mua máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ, là những yếu tố chủ chốt.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thực hiện các bước tiến trong hợp tác quốc phòng với Ba Lan, quốc gia sẽ mua 24 máy bay không người lái Bayraktar TB2 - hệ thống UAV chiến thuật tầm trung và tầm xa. Hợp đồng này đưa Ba Lan trở thành quốc gia thành viên NATO thứ hai vận hành UAV này bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bán máy bay không người lái cho Ukraine vào năm 2019. Các giao dịch máy bay không người lái với hai quốc gia chủ chốt trên được coi là một tín hiệu gửi đến NATO, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp vào nỗ lực của liên minh chống lại Nga.
“Việc kéo dài lệnh cấm đi lại rõ ràng là một công cụ chính trị nhằm thể hiện sự không hài lòng của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ, về những gì Nga cho là hành động đi ngược lại lợi ích của họ, cũng như tín hiệu cho thấy nếu xu hướng này tiếp tục sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng", Karol Wasilewski, nhà phân tích tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan có trụ sở tại Warsaw, nói với Arab News.
Theo Wasilewski, Nga đã quan sát các thông điệp mà Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng gửi tới đồng minh phương Tây kể từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ và đã quyết định có hành động kiên quyết.
Nhiều người đang chờ đợi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ đầu tiên trong hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 14/6, nơi các bên dự kiến sẽ thảo luận về việc tái đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình máy bay chiến đấu F-35 và giải quyết tranh cãi S-400.
Hồi đầu tuần, Ankara đã thể hiện thiện chí giải quyết những lo ngại của Mỹ bằng cách đưa các chuyên gia tên lửa Nga về nước.
Chuyên gia Wasilewski tin rằng thời điểm đang đến gần để Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lựa chọn cuối cùng về S-400, cũng như định hướng chiến lược của nước này khi quan hệ với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thuyết phục đồng minh NATO không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, quốc gia thân cận với Nga, sau khi nước này buộc một máy bay chở khách hạ cánh để bắt giữ một nhân vật đối lập.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là chiến thuật nhằm gửi nhành ô liu đến Điện Kremlin để nhận lại đảm bảo lượng khách du lịch Nga trở lại vào mùa hè.
Nhưng Nga vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm bay, khiến giới quan sát kết luận rằng động thái ngoại giao dường như đã thất bại.