Trong một động thái thể hiện sự thất vọng về căng thẳng leo thang với Syria, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đột ngột lên án Liên Hợp Quốc (LHQ) đã không hành động nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng này. Ông nói rằng, tổ chức quyền lực nhất thế giới này đang lặp lại những sai lầm đã mắc phải ở Bosnia trong những năm 1990.
"Sai lầm của LHQ cách đây 20 năm về việc không chuẩn bị trong việc đối phó với các vấn đề của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Vậy mà ngày hôm nay, nó vẫn lặp lại tại Syria”, ông Erdogan phát biểu trong một hội nghị quốc tế tại Istanbul.
Ông cũng kêu gọi cần có một sự thay đổi trong cơ cấu của Hội đồng Bảo an LHQ, theo hướng không cho phép bất cứ thành viên nào - trong trường hợp này là Trung Quốc và Nga - có thể cản trở hành động của cộng đồng quốc tế.
Hai quốc gia từng là đồng minh giờ đang đứng trước bờ vực chiến tranh
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, một đồng minh cũ, đã tăng lên trong nhiều tháng nay. Thổ Nhĩ Kỳ đã che chở cho các lãnh đạo phe nổi dậy vũ trang chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Istanbul cũng tiếp nhận không giới hạn người tị nạn Syria.
Căng thẳng đã biến thành hành động, khi hai bên đấu pháo qua biên giới và Thổ Nhĩ Kỳ buộc một máy bay dân sự Syria phải hạ cánh xuống sân bay Istanbul do nghi ngờ chở theo vũ khí Nga. Syria đã trả đũa bằng cách cấm các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bay qua không phận nước này.
Ankara đã quyết định đóng cửa không phận các chuyến bay dân sự của Syria như một hình thức trả đũa những hành động ném bom của Syria khiến nhiều người thiệt mạng tại biên giới hai nước. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu giải thích, chính quyền Damascus đã lợi dụng các chuyến bay dân sự để vận chuyển trang thiết bị quân sự.
Trước đó, hai máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã ép một máy bay của hãng hàng không quốc gia Syria từ Thủ đô Moscow (Nga) tới Damascus phải hạ cánh xuống sân bay tại Ankara. Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ số hàng hóa trên chiếc máy bay vì cho rằng đây là thiết bị quân sự do Nga cung cấp.
Tuy nhiên, cả Syria và Nga đều bác bỏ cáo buộc này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, hàng hóa trên máy bay này là các thiết bị điện cho trạm ra đa, thuộc diện hàng hóa hợp pháp, không bị cấm theo các công ước quốc tế.
Nga và Trung Quốc đã liên tục dùng quyền phủ quyết để ngăn cản Hội đồng Bảo an ra một nghị quyết cho phép can thiệp quân sự vào Syria, nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài đã gần hai năm tại nước này.
Trong khi Chính phủ Nga ra sức phủ nhận việc đã cung cấp vũ khí cho đồng minh Syria thì tờ Kommersant của nước này lại cho biết, công ty KBP Tula có trụ sở tại thành phố Tula của Nga đã gửi sang Syria các vũ khí chống tăng, phòng không, hệ thống chống pháo binh và thiết bị radar.
Năm 2003, chính KBP Tula cũng từng bị Hoa Kỳ cáo buộc đã cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ.
Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết, có bằng chứng về việc không quân Syria sử dụng bom chùm trong cuộc tấn công. Theo một điều ước quốc tế, đây là loại vũ khí bị cấm với hầu hết các quốc gia, nhưng riêng Syria chưa tham gia vào điều ước này. Human Rights Watch cũng khẳng định rằng, bom chùm này được sản xuất tại Nga. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng: "Việc xác định đạn dược và vũ khí được cung cấp từ đâu và như thế nào hoàn toàn khó khăn. Không thể khẳng định số bom chùm đó cho Nga cung cấp ngay được". |
Thanh Tùng (Theo NewYorkTimes)