Cảm giác chiến thắng
Một tuyên bố từ cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/11 do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chủ trì đã thể hiện "sự vui mừng trước việc người anh em Azerbaijan lấy lại vùng đất bị chiếm đóng hơn 1/4 thế kỷ".
Cảm giác về chiến thắng lịch sử ở Nagorno-Karabagh có thể sẽ là động lực cho kế hoạch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria trong thời gian tới, chủ đạo trong đó là mục tiêu kiềm chế người Kurd.
Ông Erdogan đã rất hài lòng với mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vài năm trở lại đây, nhưng điều đó có thể thay đổi với lễ nhậm chức của ông Joe Biden vào tháng 1/2021.
Trong cuộc họp, Tổng thống Erdogan một lần nữa nhấn mạnh, "hành lang khủng bố sẽ không được phép hiện diện dọc theo biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ", ám chỉ Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd ở Syria (YPG), đơn vị nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đối tác quan trọng của Mỹ ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là phần mở rộng của đảng Công nhân Kurdistan (PKK), mà nước này gán cho là một nhóm khủng bố.
Thời gian qua, đã có nhiều tin tức cảnh báo về một chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sau nhiều tháng im ắng tích lũy quân sự.
“Một hoạt động thiết lập cứ điểm quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ đang được tiến hành ở khu vực Ain Issa, phía bắc Baqqa của Syria, xung quanh đường cao tốc M4 chính, làm dấy lên nguy cơ về một cuộc tấn công khác của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiềm chế người Kurd ở Syria”, cây bút Fehim Tastekin viết trên Al-Monitor.
Tổng thống Erdogan có thể tìm cách tránh một cuộc tấn công tổng lực và thay vào đó tập trung vào việc cắt đứt huyết mạch kinh tế quan trọng đối với người Kurd ở Syria. Tuy nhiên, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể vẫn bị giới hạn do điều này cần tăng cường kiểm soát đường cao tốc M4.
"Sự thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ dường như đã phần nào thay đổi tính toán của Ankara trong động lực quân sự mới ở Syria”, Tastekin nói thêm, nhưng "viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng sự bận rộn trong quá trình chuyển đổi quyền lực ở Washington để mở rộng Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình vẫn chưa thể loại trừ, bất chấp các tín hiệu thay đổi thực tế mới ở Washington".
Thực tế mới trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Antony Blinken, người được ông Joe Biden nhắm cho vị trí ngoại trưởng, đã chỉ trích chính sách của Tổng thống Trump trong khu vực. Ông đã gọi động thái rút quân khỏi vùng đông bắc Syria là quyết định "làm mất uy tín của Mỹ" .
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5 với CBS, Blinken ủng hộ việc giữ dấu chân Mỹ trên đất ở Syria và bày tỏ sự tiếc nuối khi chính quyền Obama thiếu các hành động và lằn ranh đỏ ở quốc gia Trung Đông. Điều này khiến giới quan sát tin rằng chính quyền mới ở Washington muốn đòn bẩy mạnh mẽ hơn ở Trung Đông.
“Chính quyền Biden chắc chắn phải thay đổi sâu sắc bản chất hiện tại của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ vốn đã bị teo nhỏ thành mối quan hệ đặc biệt giữa Trump và Erdogan - cả hai đều có cách tiếp cận quá cá nhân hóa trong chính sách đối ngoại”, cây bút Metin Gurcan viết trên Al-Monitor.
Chính quyền Biden sẽ thừa hưởng một loạt các bất đồng lớn với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc thành viên NATO này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, tranh cãi ở Đông Địa Trung Hải, cuộc điều tra của Mỹ về ngân hàng Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ, v.v.
“Ngay cả khi ông ấy cố gắng tiết chế các mối quan hệ Erdogan dường như không còn có một đội ngũ đủ khả năng để đưa các mối quan hệ song phương đi theo hướng lành mạnh”, Gurcan nói thêm. “Năng lực thể chế của Ankara đã bị xói mòn đến mức việc hàn gắn quan hệ một cách ý nghĩa và lâu dài là điều quá sức”.
Đối phó với ông Biden có thể khiến Tổng thống Erdogan tạm dừng lại một số quan điểm đối đầu của ông với Mỹ và phương Tây, chuyên gia Semih Idiz viết trên Al-Monitor.
“Tình hình lần này đã khác; Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ép sát đến chân tường, điều này khiến cho ông Erdogan không có nhiều không gian để hành động đúng với tính cách của mình”, Idiz giải thích. "Erdogan dường như nhận thức được rằng vòng tròn đang khép lại với những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn đã bị tàn phá của Thổ Nhĩ Kỳ và cho chính quyền của ông".
Chưa kể đến việc áp lực từ Tổng thống Nga Vladmir Putin ở phía sau. "Moscow có khả năng sẽ gây áp lực lên Ankara ở Syria, Libya, Biển Đen, xung đột Karabakh và các vấn đề năng lượng để phản ứng lại những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xích lại gần Washington”, cây bút Gurcan nhấn mạnh. "Nhìn chung, Ankara đang phải chuẩn bị cho một hành động cân bằng mạnh mẽ hơn giữa Moscow và Washington vào năm tới".