Vào ngày 12/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô hàng hệ thống phòng thủ S-400 đầu tiên từ phía Nga sau quãng thời gian chờ đợi khá lâu. Trong vòng 5 ngày, 13 chuyến bay chở hàng từ Nga tiếp tục vận chuyển các bộ phận khác nhau của hệ thống đến căn cứ không quân Murted ở Thủ đô Ankara.
Trong khi đó, Washington đã quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách loại bỏ nước này ra khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35 với công nghệ hàng đầu thế giới.
Bình luận về quyết định của Mỹ, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là "bước đi đơn phương không công bằng", "không phù hợp với tinh thần của liên minh" và "không dựa trên bất kỳ lý do chính đáng nào".
Trong bài viết trên tờ Al Araby, chuyên gia phân tích Ali Bakeer cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ thiếu một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược độc lập, khiến quốc gia này dễ bị tổn thương trước kho vũ khí tên lửa đạn đạo mà nhiều nước láng giềng sở hữu bao gồm Iran, Syria và Iraq.
Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào vũ khí của liên minh để bù đắp những hạn chế, tuy nhiên các hệ thống NATO hiện tại không cung cấp sự bảo vệ toàn diện cho toàn bộ lãnh thổ địa lý của quốc gia. Do đó, lựa chọn S-400 của Nga được coi là bước đi cần thiết.
Cơ hội nằm trong tay ông Trump?
Trái ngược với lời kêu gọi trừng phạt từ Quốc hội và Lầu Năm Góc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ rõ ý định hòa giải xoay quanh thương vụ S-400, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị "đối xử rất bất công".
Sau khi loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất F-35, Nhà Trắng đã khéo léo nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng "với tư cách là các đồng minh NATO, mối quan hệ của chúng tôi là đa tầng và không chỉ tập trung vào vấn đề F-35”.
Lập trường cá nhân của tổng thống Mỹ về vấn đề F-35 và S-400 đã cho thấy sự khó khăn của ông trong tình thế hiện tại.
Mặc dù ông Trump đang cố gắng kiềm chế xung đột, nhưng việc ông có ngăn chặn được các biện pháp trừng phạt áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai hay không vẫn còn là câu hỏi.
Tuy nhiên, với thực tế là chưa có lệnh trừng phạt nào được đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại, nó đồng nghĩa với việc Washington có thể sẽ để mở cánh cửa đàm phán.
Về vấn đề này, có ba dấu hiệu tích cực, theo chuyên gia Ali Bakeer.
Đầu tiên, Tổng thống Trump tuyên bố rằng, ông không muốn xem xét các lệnh trừng phạt của Thổ Nhĩ Kỳ "ngay lúc này". Cùng với đó chính quyền Mỹ vừa thả cựu giám đốc ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Atilla như một tín hiệu mong muốn kiềm chế xung đột và không để nó ảnh hưởng tới liên minh NATO hay hợp tác song phương trong các vấn đề khác.
Thứ hai, các quan chức Mỹ liên tục sử dụng cụm từ "đình chỉ" thay vì chấm dứt vĩnh viễn để mô tả tình trạng của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình sản xuất F-35 trong cuộc họp báo của Lầu Năm Góc.
Thứ ba, Washington thông báo rằng quá trình loại Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn ra khỏi chương trình sẽ chỉ được đưa ra vào cuối tháng 3/2020, trùng với thời điểm việc giao hàng và lắp đặt S-400 được chỉ định vào tháng 4 năm tới, theo lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Điều này có lẽ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hai bên để sắp xếp các cuộc thảo luận gỡ bế tắc nếu có thể.
Mặc dù đã có những gợi ý về việc Thổ Nhĩ Kỳ nên chuyển giao lại S-400 cho bên thứ ba như một giải pháp khả thi để giải quyết căng thẳng. Nhưng rất khó để tưởng tượng phương án này đang được cân nhắc, chưa kể đến việc một lựa chọn như vậy về cơ bản sẽ cần có sự “bật đèn xanh” của Nga.
Một giải pháp như vậy được cho là sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ vừa có được S-400 và vẫn hy vọng quay trở lại dự án F-35 sau đó.
Thậm chí, các nhà hoạch định chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn sàng chấp nhận các biện pháp trừng phạt “mềm” từ phía Mỹ nếu điều này giúp họ có đồng thời được cả hai thứ vũ khí mong muốn.
Tuy nhiên, các chính sách mâu thuẫn của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Iraq và các nơi khác dự kiến sẽ làm phức tạp vấn đề, do đó làm cho cơ hội giải quyết xung đột S-400 và F- 35 trở nên rất mong manh.
Theo chuyên gia phân tích Ali Bakeer, việc tước sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và áp dụng các biện pháp trừng phạt thẳng tay với nước này sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ trực tiếp đưa Ankara hoàn toàn rơi vào tay Nga.
Đó là điều mà Moscow vẫn mong muốn. Trong vài năm qua, Nga – với những tính toán và lợi ích của riêng mình - bày tỏ sẵn sàng cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ những gì các đồng minh NATO của Ankara đang từ chối bán.
Câu chuyện S-400 bắt đầu khi Washington từ chối bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không Patriot. Và giờ đây, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải rời khỏi chương trình F-35, Nga bày tỏ sự sẵn sàng bán máy bay chiến đấu Su-35 siêu cơ động của mình cho Ankara.
Mặc dù, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không vội vã với lựa chọn này, nhưng thực tế là dự án máy bay chiến đấu F-35 sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa, các lựa chọn của Ankara có lẽ sẽ bị giới hạn trong các máy bay chiến đấu châu Âu và Su-35 tiên tiến nhất của Nga.
Lựa chọn thứ hai sẽ chỉ phụ thuộc vào bước đi tiếp theo của Washington. Bước đi đó có thể có ý nghĩa địa chính trị lớn hơn nữa nếu Mỹ tiếp tục đi theo chính sách từ chối Thổ Nhĩ Kỳ như hiện nay.