Thổ Nhĩ Kỳ ngỏ ý muốn gia nhập BRICS sau gần 4 thập kỷ chờ EU mở cửa

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 05/06/2024 06:00

Một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự dự kiến là về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, gia nhập nhóm BRICS.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ (Türkiye), nhóm BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn dắt có thể là một “giải pháp thay thế tốt” cho Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy triển vọng kinh tế của quốc gia liên lục địa Á-Âu.

Đó là bình luận của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, người đang có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 3/6.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Ankara, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên minh Thuế quan EU nhưng nước này cũng đang khám phá những cơ hội hợp tác mới với một số đối tác trong các nền tảng khác nhau như BRICS.

BRICS ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Sau quyết định mở rộng mang tính lịch sử hồi năm ngoái, khối này giờ cũng bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất hành tinh.

“Chắc chắn, chúng tôi mong muốn trở thành thành viên của BRICS. Vì vậy, chúng tôi sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào trong năm nay”, nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho biết trong một sự kiện tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh hôm 3/6.

Thế giới - Thổ Nhĩ Kỳ ngỏ ý muốn gia nhập BRICS sau gần 4 thập kỷ chờ EU mở cửa

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong một sự kiện tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh, ngày 3/6/2024. Ảnh: Daily Sabah

Ông Fidan cũng bày tỏ mong muốn được tham dự cuộc họp của Ngoại trưởng các nước BRICS ở thành phố Nizhny Novgorod của Nga vào ngày 10-11/6, trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh BRICS do Nga chủ trì ở Kazan vào tháng 10 tới.

Một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự dự kiến là về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, gia nhập nhóm BRICS.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi 6 năm trước, ông Erdoğan đã tuyên bố ý định của Thổ Nhĩ Kỳ về tham gia nhóm này, nhưng kể từ đó đến nay câu chuyện này có rất ít tiến triển.

Phát biểu tại CCG ở Trung Quốc, ông Fidan cho biết, một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là hình thành các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ dưới hình thức thể chế.

Ông cho rằng do “chính trị bản sắc”, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ được một số nước lớn trong EU cho phép trở thành thành viên chính thức của khối châu Âu dù Ankara đã cố gắng gia nhập từ lâu. “Vì vậy, bạn phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác”, Ngoại trưởng Fidan nói.

Ông lưu ý rằng để đến với BRICS vẫn “còn một chặng đường dài phía trước”, nhưng “chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng BRICS, với tư cách là một nền tảng hợp tác quan trọng, mang đến cho một số quốc gia khác một giải pháp thay thế tốt”.

“Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng ở BRICS”, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ  nói thêm.

Gần 4 thập kỷ trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu và vào năm 1999, nước này chính thức được cấp quy chế ứng cử viên của EU. Các cuộc đàm phán về nỗ lực gia nhập EU của Ankara bắt đầu vào năm 2005 nhưng từ lâu đã bị đình trệ vì một loạt vấn đề.

Tại Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 4/6: “Tất nhiên, tất cả chúng tôi đều hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng đối với BRICS từ phía các nước láng giềng của chúng tôi, bao gồm cả những đối tác quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trước đó, hôm 31/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết cánh cửa của BRICS “mở ra cho đại diện của các hệ thống kinh tế, chính trị và khu vực vĩ mô đa dạng nhất”.

“Điều kiện duy nhất là các vị phải đồng ý làm việc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản về sự bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia”, nhà ngoại giao Nga nói.

Minh Đức (Theo SCMP, Anadolu)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.