Vì sao Nga cảnh giác với Thổ Nhĩ Kỳ?
Các quy tắc bất thành văn điều phối mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép hai nước tiếp tục duy trì liên lạc, bất chấp những bất đồng hiển hiện trong một vài khu vực xung đột.
Các dự án năng lượng chung cùng thương vụ S-400 đã đóng vai trò nền móng cho mối quan hệ nhằm ngăn chặn sự sụp đổ không đáng có như lần Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga vào năm 2015.
Tuy nhiên, các quan chức Nga gần đây đã có những tuyên bố răn đe công khai với Thổ Nhĩ Kỳ, đặt ra câu hỏi điều gì đã thúc đẩy sự thay đổi giọng điệu của Moscow.
“Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ phân tích kỹ tình hình và ngừng thúc đẩy tâm lý quân phiệt của Kiev”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.
Trước tuyên bố này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hỗ trợ cộng đồng người Tatars gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Crimea rằng: “Nếu luận điệu tiếp tục, chúng tôi sẽ phải chú ý đến các vấn đề tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không muốn thế, vì vậy tôi hy vọng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lắng nghe”.
Lời lẽ thiếu đi tính khách sáo và mang tính đe dọa cũng đi cùng với lệnh cấm đi lại của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ gần đây. Mặc dù Nga vin vào số lượng ca nhiễm Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ là lý do đằng sau quyết định này, nhưng rất nhiều người tin rằng đây là động thái có liên quan đến sự leo thang giữa Ukraine và Nga, chuyên gia Omer Ozkizilcik từ SETA Foundation nêu quan điểm.
Lần cuối cùng Nga áp đặt lệnh trừng phạt tương tự là khi quan hệ đổ vỡ vào năm 2015. Đây là một lệnh trừng phạt rõ ràng nhằm vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vì du lịch chiếm 12% GDP nước này và khách du lịch Nga là một trong những nhóm du khách hàng đầu.
Dù gay gắt nhưng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn vững chãi, như cách mà Ngoại trưởng Lavrov từng ca ngợi Ankara giữ vững lập trường trong thương vụ S-400.
Tuy nhiên, một động lực mới có thể định hình tương lai mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sắp tới.
Khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 2016, nhiều nhà bình luận cho rằng đây là biểu hiện của việc Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng trước sức mạnh Nga.
Nhưng 5 năm sau, nguồi ta bắt đầu thảo luận về khả năng triển khai "mô hình Thổ Nhĩ Kỳ" trong cuộc đối đầu ở Ukraine. Các nhà phân tích suy đoán về kịch bản tái diễn xung đột Nagorno-Karabakh ở Donbass, nơi các máy bay không người lái TB2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ mở đường cho lực lượng vũ trang Ukraine gặt hái thành công trong các mục tiêu lãnh thổ.
Khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn Nga ở Syria, đảo ngược cán cân quyền lực quân sự ở Libya và vai trò viết cái kết cho cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh không chỉ là những chiến thắng quân sự. Đó là những mô hình kiềm tỏa Nga mà không cần đến sự trợ giúp của Mỹ.
Tin vào chính mình
Khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga và gánh chịu trừng phạt, điều mà các đối tác NATO làm chỉ là im lặng. Các hệ thống phòng không Patriot được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong nỗ lực bảo vệ của NATO cũng bị rút về nước.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảm thấy mình đơn độc ở Idlib và Libya trong việc hạn chế ảnh hưởng của Nga. Chưa đủ, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn bị các nước NATO chỉ trích vì ủng hộ Azerbaijan.
Ankara đã tự thuyết phục bản thân mình rằng, không thể đặt niềm tin vào NATO trong mục tiêu cân bằng Nga. Họ chỉ có thể tin tưởng vào chính mình.
Selcuk Bayraktar – bộ não đứng sau máy bay không người lái TB2 Bayraktar - đã trở thành biểu tượng cho lập trường tự lực cánh sinh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Không dừng lại ở đó, Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào khả năng ngoại giao để gây dựng các liên minh. Không phụ thuộc vào NATO, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vun đắp mối quan hệ và hợp tác với Ukraine, Azerbaijan, Libya, các đối tác ở Syria và các quốc gia ở Đông Âu. Bằng cách đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập nên một tiểu liên minh để ứng phó Nga.
Ở châu Âu, các quốc gia như Ba Lan và Romania đã theo dõi chặt chẽ mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ nhìn thấy kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ và biết rằng họ không thể chỉ dựa vào NATO để đọ sức với Nga.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Ba Lan quyết định mua máy bay không người lái TB2 Bayraktar. Hungary, Kazakhstan, Romania và các nước Baltic là những ứng cử viên tiềm năng khác cho vũ khí ngày càng danh tiếng này.
Dưới con mắt của Nga, mối quan hệ chập chờn với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đi chệch hướng và cả hai cùng có lợi trong việc tránh một cuộc đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, nguồn cảm hứng mà Thổ Nhĩ Kỳ mang đến cho các quốc gia Đông Âu nói trên là điều mà Nga chưa từng tính toán trước đó.
Nga lo ngại các quốc gia khác ở Đông Âu có thể đi theo sự dẫn dắt của Thổ Nhĩ Kỳ, dễ dàng kiềm tỏa Nga mà không cần dựa vào Mỹ hay các quốc gia Tây Âu.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xuất khẩu mô hình của mình và Nga dường như đang trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì điều này. Bất chấp tất cả, Ankara dường như sẽ không lùi bước.
Sau một thời gian, Moscow sẽ thấy rằng các biện pháp trừng phạt không có tác dụng và sẽ buộc phải đưa ra quyết định cứng rắn, rơi vào thế đối đầu mạo hiểm không mong muốn với Ankara hoặc tiếp tục đi theo những quy tắc bất thành văn điều phối quan hệ giữa cả hai.
Đây là một quyết định cho tương lai và thời gian vẫn còn. Giới quan sát dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang đến các biện pháp xoa dịu để Nga quyết định lựa lựa chọn phương án thứ hai.
Đó có thể là một dự án chung mới để tăng thêm sự êm ái trong mối quan hệ. Hoặc biến số có thể thay đổi hoàn toàn nếu chính quyền Joe Biden nhìn thấy mô hình tiềm năng từ Thổ Nhĩ Kỳ.