Trong bối cảnh cả thế giới đang chao đảo bởi chính sách thuế quan toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ có cơ hội vượt trội hơn các thị trường mới nổi khác "khi mọi chuyện lắng xuống".
Điều này có được là nhờ tiếp xúc thương mại hạn chế giữa quốc gia liên lục địa Á-Âu này và nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như việc giá dầu ở mức thấp hơn, theo Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Şimşek.
Ông Şimşek nói với tờ Financial Times vào ngày 8/4 rằng sự sụp đổ của giá dầu sẽ thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia nhập khẩu năng lượng, và do đó giúp xây dựng lại dự trữ quốc tế, một thước đo được theo dõi chặt chẽ về các cải cách kinh tế vĩ mô mà ông đã đưa ra cách đây khoảng 18 tháng.
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại và chính sách tiền tệ trong nước chặt chẽ cũng có tác dụng "giảm phát", điều này sẽ giúp giảm lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ – một mục tiêu chính trong chương trình bình ổn của ông Şimşek.

Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Şimşek tại một sự kiện do TRT World tổ chức ở Istanbul, tháng 11/2024. Ảnh: Anadolu
Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/4 cho biết, tỉ lệ lạm phát hàng năm ở nước này đã giảm xuống 38,1% vào tháng 3, giảm so với mức 39,1% của tháng 2. Mặc dù con số lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia khác nhưng nó đã có xu hướng giảm trong 10 tháng qua.
Về thuế quan của Mỹ, ông Şimşek lập luận rằng nền kinh tế trị giá 1.300 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ tương đối được cô lập với Mỹ, vì 80% hoạt động thương mại của Ankara là với các quốc gia có hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như liên minh thuế quan với EU hoặc với "các nước láng giềng thân thiện" ở Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi.
Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng nhấn mạnh những lợi thế địa chính trị của đất nước, nhắc đến các hiệp định thương mại tự do với 54 quốc gia chiếm 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Trump, người có mối quan hệ tốt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, đã áp mức thuế quan "cơ bản" 10% đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ.
"Tất cả những điều này tương đối mang tính xây dựng", ông Şimşek cho biết. "Khi mọi chuyện lắng xuống, chúng tôi hy vọng và tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể nổi lên tích cực" trong mắt các nhà đầu tư, so với các nền kinh tế mới nổi đang gặp nhiều khó khăn hơn ở châu Á và những nơi khác.
Năm ngoái, thương mại song phương Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ đạt tổng cộng 32 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng thương mại hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ, với thặng dư 1,5 tỷ USD nghiêng về phía Thổ Nhĩ Kỳ, theo dữ liệu của phía Mỹ.
Chương trình kinh tế của ông Şimşek đã phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt nhất từ trước đến nay sau vụ bắt giữ thị trưởng Istanbul Ekrem İmamoğlu, khiến thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc.
"Đã có một tác động lớn nhưng ngắn hạn từ sự hỗn loạn do chính trị trong nước thúc đẩy. Bây giờ sự hỗn loạn là do thuế quan thúc đẩy", ông Şimşek cho biết.
"Về mặt tương đối, tình trạng dễ bị tổn thương của chúng tôi không đến nỗi tệ. Chúng ta có thể phải sống với mức tăng trưởng chậm hơn, nghĩa là phải sống với những cú sốc bên ngoài như thế này, đến từ thuế quan của Mỹ", vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Minh Đức (Theo Financial Times, Turkiye Today)