Nước cờ bất ngờ của Ankara
Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định chấm dứt hỗ trợ Liên minh Quốc gia các lực lượng đối lập và cách mạng Syria (hay còn gọi là Liên minh Quốc gia Syria), mà bao gồm trong đó nhiều nhóm đối lập khác nhau đang góp mặt trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông, Sputnik dẫn nguồn tin nội bộ cho hay.
Liên minh Quốc gia Syria được thành lập vào tháng 11/2012 và nhận khoảng 320.000 USD chi phí hỗ trợ hàng năm từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Musa Özuğurlu, quyết định ngừng hỗ trợ này xuất phát từ việc Ankara không còn kiên nhẫn với một tổ chức đối lập "chỉ biết phát biểu trong các cuộc họp báo, nhưng vô dụng trong các hoạt động chiến đấu trên mặt đất".
Özuğurlu chỉ ra thực tế rằng, liên minh này không có các công cụ để tác động tới diễn biến ở Syria.
"Tổ chức này chỉ còn lại tính biểu tượng nhiều hơn. Nó hoạt động vì vẫn có sự bảo hộ từ các nhà lãnh đạo ở Ankara và Istanbul. Sau 5 năm, tất cả mọi người thấy rằng Liên minh Quốc gia Syria không có tương lai. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy tài trợ cho nhóm là vô nghĩa và quyết định chấm dứt", Özuğurlu nói với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia này cũng đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào việc vô hiệu hóa mối đe dọa an ninh đến từ các nhóm người Kurd vốn đang gia tăng tầm ảnh hưởng trong cuộc xung đột ở Syria.
Trong khi Mỹ quyết định cắt đứt hỗ trợ cho các nhóm phiến quân đối lập Syria để tập trung vào việc hỗ trợ quân sự cho lực lượng người Kurd, quyết định tương tự đối với Liên minh Quốc gia Syria là một tín hiệu cho thấy, Ankara sẽ dồn lực chống lại lực lượng người Kurd.
Động thái này sẽ rất quan trọng trong tương lai, vì nó là một bước đi tích cực trong quan hệ giữa Ankara và Damascus.
Bằng cách từ bỏ hỗ trợ cho phe đối lập Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện một cử chỉ thiện chí đối với Chính phủ Syria. Quyết định này được cho là có thể giúp phá vỡ “lớp băng” tồn tại giữa Damascus và Ankara.
Theo Özuğurlu, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Syria tất nhiên sẽ mang lại lợi ích cho cả hai.
Sự hiện diện ngày càng tăng của người Kurd là vấn đề then chốt trên chiến trường đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này có thể xuất phát từ ý muốn cùng phối hợp hành động của Ankara đối với Damascus. Khi nói đến vấn đề người Kurd, Ankara và Damascus có những lợi ích chung.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu, hai bên vẫn khó có thể bình thường hóa quan hệ trở lại.
"Họ có thể sẽ tiếp tục công kích lẫn nhau với những tuyên bố khắc nghiệt. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc hỗ trợ cho Liên minh Quốc gia Syria có nghĩa rằng, Ankara không công nhận các lực lượng đối lập nữa. Điều này có thể dẫn đến một giai đoạn mới trong quan hệ Ankara-Damascus", chuyên gia Özuğurlu kết luận.
Ankara tiếp tục chiến dịch Tấm khiên Euphrates ở Idlib?
Trước đó các nhà quan sát nhận định,Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ tiếp tục chiến dịch Tấm khiên Euphrates của mình ở Syria.
Vào ngày 24/8/2016, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, được hỗ trợ bởi lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) và máy bay của liên minh Mỹ dẫn đầu, đã phát động chiến dịch Tấm khiên Euphrates để giải phóng thị trấn Jarabulus sát biên giới Syria và các vùng lân cận khỏi tay của IS.
Chiến dịch này là sự xâm nhập đầu tiên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Các hoạt động sau đó đã bị chỉ trích bởi người Kurd ở Syria cũng như chính quyền Damascus, khi cáo buộc Ankara vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Mặc dù chiến dịch đã kết thúc vào ngày 29/3, Ankara được cho là không thoải mái với vị thế hiện tại của mình do "thiếu đi sáng kiến chiến lược".
Với những lo ngại mới về tình hình ở tỉnh Idlib, Ankara đang xem xét một chiến dịch quân sự mới mà Thủ tướng Yildirim nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng tất cả các "biện pháp cần thiết" dọc biên giới với Idlib. Ông nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong trường hợp cần thiết.
Theo chuyên gia Yuri Mavashev, Idlib sẽ là "mục tiêu tiếp theo" cho một cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình hình ở Idlib đã thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào nhóm Ahrar al-Sham ở đó, nhưng nhóm này đã mất đi quyền kiểm soát. Hiện tại Idlib đang nằm trong tay Tahrir al Sham, một nhóm sáp nhập giữa al-Nusra Front và các nhóm cực đoan khác.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn tăng cường vị trí của các nhóm đồng minh ở Idlib vì Ankara không muốn khu vực này được kiểm soát bởi Damascus. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng nếu họ khởi động một chiến dịch quân sự ở đây sẽ có nhiều hậu quả lớn mà nước này phải đối mặt.