Choáng ngợp với màn khai hoả của S-400.
Đến bên Nga vì Mỹ từ chối
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nước này chỉ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga sau khi đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ chối đề nghị của nước này. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích vì mua S-400 do Nga sản xuất là không đúng. Trước khi đặt vấn đề mua S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ từ chối bán hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
"Khi Thổ Nhĩ Kỳ cần một hệ thống phòng không, chúng tôi chỉ đơn giản muốn mua hệ thống này từ đồng minh NATO. Thật không may, đồng minh NATO của chúng tôi, với nhiều lý do khác nhau, không thể cung cấp hệ thống phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ", ông Mevlut Cavusoglu nói với các phóng viên tại Qatar, sau cuộc gặp với những người đồng cấp Nga và Qatar về vấn đề Syria.
Nói về việc hệ thống tên lửa phòng không Patriot bố trí dọc biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria bị rút đi, ông Cavusoglu cho biết, vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ cần chúng nhất thì các nước đồng minh NATO lại rút đi.
Ông Cavusoglu chia sẻ, đây chính là giai đoạn Thổ Nhĩ Kỳ nhận được đề nghị của Nga về việc bán hệ thống S-400. Ông Cavusoglu cũng cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần nhiều hệ thống phòng không hơn nữa trong tương lai.
Giải thích về điều này ông Cavusoglu cho biết: “Trong tình huống như vậy, chúng tôi phải mua các hệ thống phòng không từ nguồn khác”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết thêm, các đồng minh NATO đã được Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về việc sẽ mua S-400 của Nga. Ông cũng tiết lộ, trước đây Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều cản trở từ các đồng minh NATO trong việc mua vũ khí. Những cản trở này không chỉ xảy ra với hệ thống phòng không S-400 mà còn với cả những loại vũ khí đơn giản mà Ankara mua. Ông nhấn mạnh, đến tận bây giờ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đối mặt với nhiều cản trở trong việc mua vũ khí.
"Với những gì đã xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ không đáng bị lên án khi phải tìm đến nguồn cung khác để đáp ứng nhu cầu của mình", ông Cavusoglu nói.
"Giờ đây, chúng tôi có thể sản xuất được 70% nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng. Chúng tôi cũng sản xuất và xuất khẩu vũ khí với chất lượng cao. Nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần mua những sản phẩm mà chúng tôi không thể sản xuất trong nước bằng cách này hay cách khác", Cavusoglu tuyên bố.
"Quyết định bất công"
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia độc lập và sẽ sử dụng quyền này trong tương lai”.
Tháng 4/2017, sau những nỗ lực kéo dài để mua hệ thống phòng không từ Mỹ nhưng bị khước từ, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng với Nga để mua S-400.
Các quan chức Mỹ phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hệ thống tên lửa phòng không mua từ Nga. Mỹ cho rằng S-400 không tương thích với các hệ thống của NATO.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và không gây ra mối đe dọa nào đối với liên minh cũng như vũ khí của họ.
Trên thực tế, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đề xuất thành lập một nhóm công tác để kiểm tra vấn đề tương thích kỹ thuật.
Ngày 14/12/2020, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này khiến mối quan hệ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng.
Lệnh trừng phạt nhắm vào cơ quan phát triển và mua sắm quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng (SSB) và chủ tịch của SSB Ismail Demir cùng 3 nhân viên khác.
Vì lệnh trừng phạt này mà các dự án chung, các hoạt động chuyển giao công nghệ giữa công ty Mỹ và các công ty có liên quan SSB đều bị cấm. Đây là lần đầu tiên đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) được sử dụng để chống lại một thành viên trong liên minh NATO.
Sau tuyên bố áp lệnh trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nhận định đây là "sai lầm nghiêm trọng" và thúc giục Washington xem xét lại "quyết định bất công". Ankara cũng nhấn mạnh, lệnh trừng phạt sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ giữa hai nước và dọa sẽ trả đũa.
HOÀ AN (Theo AA)