Phát biểu với đài truyền hình NTV, ông Demir thông tin: "Các cuộc thử nghiệm của SIPER sẽ bắt đầu trong thời gian tới".
Trước đó, ngày 24/4, Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đang thành lập một trung tâm thử nghiệm và tích hợp để chế tạo các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa nội địa.
Trung tâm này đang được xây dựng trên vùng đất thuộc Khu công nghiệp quy hoạch Baskent dựa trên nền tảng của Công ty quốc phòng ASELSAN. Trung tâm mới được cho là sẽ bao gồm cơ sở hạ tầng tiên tiến để sản xuất hiệu quả các hệ thống và hệ thống phụ, tích hợp, thử nghiệm và kiểm tra trong quá trình phát triển và sản xuất hàng loạt hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Trung tâm sẽ được đưa vào hoạt động trong tương lai gần.
Tháng 12/2021, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Ankara sẽ tiếp tục phát triển các hệ thống phòng không mới (HISAR và SIPER) như một phần của chiến lược phòng thủ tên lửa nội địa trong năm 2022 với mục tiêu thay thế các hệ thống S-400 của Nga và Patriot của Mỹ.
Ankara đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đất đối không HISAR A+ và HISAR O+, đưa Thổ Nhĩ Kỳ tiến thêm một bước tới hệ thống phòng không SIPER.
SIPER được kỳ vọng sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng không tầm xa và bảo vệ các cụm mục tiêu phân tán. Cùng với các hệ thống phòng không nội địa khác như Korkut, Sungur hay HISAR, Ankara đặt mục tiêu xây dựng hệ thống phòng không nhiều lớp cho đất nước.
Hồi đầu tháng 11 năm ngoái, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tên lửa SIPER có tầm hoạt động lên tới 150 km. Hệ thống SIPER, được lên kế hoạch đưa vào hoạt động vào năm 2023, có thể loại bỏ tất cả các mối đe dọa xuất hiện trên không một cách đáng tin cậy nhất. Hệ thống này được cho là sẽ có đầy đủ các khả năng phòng thủ tối ưu để thay thế cho các hệ thống S-400 và Patriot đang sử dụng ở nước này.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tiền Phong)