Khảo sát thị trường cho thấy, doanh nghiệp có nhiều tài sản là bất động sản trong khi giá trị thị trường thấp hơn giá trị thực là đối tượng được nhắm đến đầu tiên của nhóm "thợ săn" doanh nghiệp.
Thực tế này đã xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Descon (DCC) khi công ty này bị nhóm “thợ săn” Bình Thiên An "tóm gọn" vì riêng dự án Preche Thảo Điền (quận 2, TP. HCM) của DCC đã có giá khoảng 25-30 triệu USD, gấp đôi vốn hóa của công ty lúc ấy.
Ngoài ra, trường hợp Công ty Tràng Tiền cũng là một ví dụ. Công ty này nắm giữ khoảng 1.500 m2 ”đất vàng” gần khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, nhưng khi cổ phần hóa năm 2000, Công ty chỉ được định giá hơn... 3 tỉ đồng. Với 3 tỉ đồng, người dân chỉ mua được khoảng chưa đầy 10 m2 đất ở trung tâm Hà Nội.
Nhận diện doanh nghiệp qua đất thì quá dễ nhưng không phải ai cũng có suất mua. Do vậy, cách nhận diện những công ty có nhiều tài sản thông qua chỉ số P/BV (thị giá/giá trị sổ sách) đang phổ biến hơn.
163 công ty đang là đối tượng của "thợ săn" doanh nghiệp
“Những công ty có chỉ số P/BV <= 0,7 lần được phía đi mua xem xét trước tiên. Nó cho thấy thị trường đang định giá trị công ty thấp hơn giá trị thực”, Giám đốc Đầu tư của một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết.
Theo cách tính đó, có 163 doanh nghiệp niêm yết đang trong tầm ngắm của những tay săn doanh nghiệp. 163 doanh nghiệp này có chỉ số P/BV < 0,7 lần, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng tính đến cuối tháng 8/2012.
Đối tượng quan trọng khác cũng được nhiều "thợ săn" doanh nghiệp nhòm ngó đó là các doanh nghiệp tốt, tức là các doanh nghiệp có nền quản trị hiệu quả, cơ cấu tài chính ổn định, tập trung vào hoạt động cốt lõi, thị phần trong ngành cao. Cùng với yêu cầu về thị phần cao, bên mua còn xét khả năng liệu họ có thể mua chi phối (trên 50%) hay không.
Điển hình cho nhóm đối tượng này là Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), Đường Biên Hòa (BHS), các doanh nghiệp có thị phần đáng kể hoặc đứng đầu ngành nhưng các lãnh đạo chủ chốt lại nắm rất ít cổ phần, giúp bên mua có nhiều khả năng đạt được tỉ lệ chi phối.
Đối tượng thứ 3 hay gây được chú ý là những đơn vị có “tiền đồ” xán lạn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp quy mô lớn là hấp dẫn nhà đầu tư.
Hiện nay, có 4 loại "thợ săn" doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam. Trước hết phải nói đến là các công ty có nguồn tài chính dồi dào. Tiêu biểu cho đối tượng này là Tập đoàn Masan (MSN), đơn vị đã bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để thâu tóm Vinacafe cuối năm 2011.
Dạng thợ săn thứ 2 là những doanh nghiệp chọn thâu tóm qua hình thức đầu tư chiến lược. Trên thị trường, đã có không ít vụ đối tác chiến lược “nuốt” luôn đối tác. Ví dụ như trường hợp ở 2 công ty Bibica (BBC) và Công ty Vật tư Xăng dầu Comeco (COM). Đối tác Lotte (Hàn Quốc) của BBC và PV Oil của COM đã liên tục tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần ở công ty đối tác với mục đích kiểm soát.
Ngoài ra, còn phải nói đến nhóm dự án chuyên đi săn doanh nghiệp có nhiều tài sản cho các tập đoàn tư nhân và những ngân hàng trực thuộc các tập đoàn tư nhân. Đối với các ngân hàng này họ có lợi thế là từ danh sách khách hàng vay vốn và các hồ sơ thẩm định doanh nghiệp có sẵn trong tủ ngân hàng trực thuộc, tập đoàn mẹ sẽ biết làm gì với những doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm.
Quỹ đầu tư cũng là một dạng thợ săn đáng chú ý. Nhưng họ có đặc điểm là không mua để kiểm soát doanh nghiệp mà chủ yếu để đầu tư tài chính.
Khánh Tuân (tổng hợp/Nhịp cầu đầu tư)