1. Giá cả là yếu tố tiên quyết
Theo các chuyên gia ngoài một số câu hỏi truyền thống sẽ được đưa ra như một gợi ý định hướng cho người dùng như: Mức tiền đầu tư? Nên chọn dòng xe Nhật, xe Mỹ hay xe Hàn? Ưu nhược điểm của từng dòng xe xét theo xuất xứ?. Hiện trên thị trường có rất nhiều lựa chọn cho người dùng từ những loại xe phổ thông tại Việt Nam như Kia, Toyota, Hyundai đến những loại xe sang như BMW, Mercerdes,… Với những loại xe “lướt”, giá thường cao hơn những xe đã sử dụng vài năm, đã từng bị hư hỏng, va đụng và buộc phải sửa chữa.
Theo đó, màu sắc xe cũng là một yếu tố đảm bảo cho việc nếu sau này muốn bán lại, xe của bạn cũng không bị mất giá quá nhiều. Thường, những loại xe có màu đỏ hoặc sơn màu bơ (khi nhìn nghiêng sẽ có nhiều ánh màu khác nhau, là loại sơn cao cấp) được ưa chuộng nhiều hơn.
Để định giá một chiếc xe cũ, người dùng cũng cần phải căn cứ vào giá bán thực tế của xe mới và xe cũ khác trên thị trường, cung cầu của nó ra sao. “Trước đây, có một bộ phận thợ chuyên đi mua những xe lướt của người dùng. Tuy nhiên, đến cả thợ cũng sẽ có lúc bị “dính chấu” vì giá. Ví dụ như trường hợp xe ô tô Honda CRV trước đây có giá hơn 1 tỷ, thợ mua xe lướt sẽ mua với giá khoảng 800 triệu đổ lên. Thế nhưng vừa rồi, CRV có chương trình khuyến mại, giá mua xe mới cũng sẽ tương đương với giá xe lướt. Người mua xe để bán lại trước đó chỉ có lỗ nặng”, một đầu nậu trong lĩnh vực xe cũ cho biết.
Thông thường, xe có nguồn gốc từ châu Á có thời gian khấu hao trong vòng 5 năm, còn xe có nguồn gốc từ châu Âu là 8 năm.
2. Mới chưa hẳn đã tốt
Theo anh Nguyễn Tuấn Hoàn, chủ gara ô tô Việt Tín (Cầu Giấy, Hà Nội), thông thường, trước khi bán xe, chủ xe thường mang đến thợ để mông má nhằm nâng giá xe lên. Tuy nhiên, việc phân biệt những chiếc xe đã phải sửa chữa, thay thế nội thất, xe bị thủy kích,… cũng không quá khó với những người có kinh nghiệm.
Đầu tiên, người mua phải quan sát tổng thể chiếc xe xem tình trạng màu sơn ra sao, có bị cấn móp nhiều hay ít, các bộ phận như tay cầm cần số, tay mở cửa, ghế, nội thất có bị bạc đi nhiều hay không. Điều này sẽ cơ bản giúp người mua biết được xe đi nhiều, đi ít. Nếu xe đã phải thay thế các bộ phận như cửa, nắp capo hoặc phải sơn lại một số bộ phận do va chạm thì màu sơn sẽ không bao giờ có thể đồng nhất được, chỗ sáng hơn, tối hơn. Những xe sơn đi sơn lại nhiều lần, trong đó có xe taxi, thường có những bụi sơn lợn cợn, màu không còn trong, thậm chí khá dại. Xe có bảng táp lô bị chày xước chứng tỏ đã từng bị vỡ kính, phần lớn không có logo chính hãng trên sản phẩm… Theo đó, xe càng nhiều lỗi, giá càng bị dìm.
Để kiểm tra xe có bị đâm đụng, va quệt trước đó hay không, người mua có thể quan sát bằng đường chỉ mép các cửa. Nếu xe đã bị va đụng, thợ phải sửa lại thì sẽ mất đi đường chỉ zin, phải thay thế. Nếu chỉ thay thế là matiz thì đường chỉ sẽ cứng hơn còn chỉ keo sẽ mềm hơn chỉ zin chuẩn làm bằng cao su đặc.
Để “soi” xe có bị đâm đụng, thủy kích dẫn đến phải mở máy hay không, người mua có thể căn cứ vào việc các đầu ốc máy còn zin hay không. Nếu đã có can thiệp vào bằng cờ lê mỏ lết thì các ốc sẽ bị mất đi lớp sơn nguyên bản trên đó, đồng thời bị toét ra. Không những thế, việc một số bộ phận trong khoang máy, trong xe trông cũ hơn hoặc mới hơn so với các bộ phận khác cũng cho thấy nó đã bị thay thế do hỏng hóc hoặc vì lý do nào đó. Vì vậy, “mới chưa hẳn đã là tốt”.
Một điểm người mua xe cũ cần phải lưu ý để tránh mua phải những chiếc taxi đời cũ là những dấu vết khoan, đục để gắn bộ đàm, logo, mắt thần trên xe, các mép sơn…. Thường với xe taxi, việc sơn sẽ không chuẩn như xe dùng cho cá nhân, ở các mép, quan sát kỹ sẽ có những điểm lộ ra màu sơn nguyên bản.
“Một yếu tố khá quan trọng mà người mua xe cần lưu ý là xe đã đi được nhiều hay chưa? Ví dụ những chiếc xe i10, đời 2014-2015, nếu người bình thường đi chỉ chạy hết khoảng 4-5 vạn km nhưng xe taxi thì có khi đến 40-50 vạn km. Xe đi càng nhiều, nội thất đã bị thay thế, vô lăng bạc thì giá trị sẽ thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc xe đi nhiều hay ít, người dùng còn phải căn cứ vào cảm nhận lái thử của mình, bởi thực tế phần lớn các thợ xe đều điều chỉnh công tơ mét cho phù hợp với số km thông thường”, anh Hoàn cho biết.
3. Khả năng vận hành có còn đủ tiêu chuẩn bạn đồng hành?
Mặc dù xe trước khi bị bán thường được đem đi đại tu nhưng sẽ không thể “ngon” bằng xe mới được. Đặc biệt với những xe đi quá nhiều, máy cũng sẽ bị ì, rệu rã hơn. Bạn cần chú ý về động cơ có gây ồn hay không, xe có khó nổ máy không, ống xả thải nhiều hay ít khói,…
Mua xe cũ khó hơn nhiều so với mua xe mới chính nằm ở điểm này. Đối với một chiếc xe mới, bạn dễ dàng “bắt đền” được đơn vị phân phối hoặc nhà sản xuất khi xe gặp vấn đề về kỹ thuật. Tuy nhiên, với chiếc xe cũ điều này là không thể. Do đó, công đoạn kiểm tra chất lượng xe là vô cùng quan trọng trong thương vụ mua bán.
Có nhiều dòng xe, khi phải sửa chữa một bộ phận xuống cấp sẽ có ảnh hưởng đến nhiều chi tiết khác liên quan, làm cho chi phí tăng lên đáng kể, đặc biệt với những xe đã hoạt động hết thời gian khấu hao. Thông thường, xe có nguồn gốc từ châu Á có thời gian khấu hao trong vòng 5 năm, còn xe có nguồn gốc từ châu Âu là 8 năm.
Ngoài ra, người mua cũng cần xem xét đến những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đi kèm trong việc mua bán xe như các giấy tờ liên quan, kiểm định, bảo hành bảo dưỡng xem có “khớp” với mức độ chăm sóc mà các chủ xe thường quảng cáo hay không. Để hạn chế tối đa việc mua xe về chỉ để sửa hoặc phải bỏ thêm tiền để thay mới hàng loạt linh kiện xuống cấp, bạn cũng nên kiểm tra kỹ nguồn gốc, lịch sử lưu hành và thói quen sử dụng của những chủ sở hữu trước
Và tốt nhất, khi đi mua một chiếc xe cũ, bạn nên đi cùng với một người có kinh nghiệm và uy tín để lựa chọn xe. Nếu không thể mua xe trực tiếp từ người dùng, hãy nên lựa chọn điểm bán xe cũ uy tín, có bảo hành, có cam kết ràng buộc.