Trần Thắng sinh năm 1971 tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hiện đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Anh đã xuất bản các tập thơ: Kẻ Bắc người Nam (Nxb. Thanh niên, 2005), Thơ chọn lọc Quán Chiêu Văn (in chung, Nxb. Văn học, 2019), Ngày qua còn mãi (in chung, Nxb. Văn học, 2020), Dốc im lặng (Nxb. Hội Nhà văn, 2023).
Trần Thắng là hoạ sĩ chuyên nghiệp. Lần đầu tôi gặp Thắng tại nhà anh Tiến Thanh. Thắng ăn mặc giản dị, quần âu, áo sơ mi buông, điện thoại đút túi áo, nhưng không lẫn với mọi người. Sau này, khi đã là bạn của anh, tôi đùa, “danh họa” ơi, anh có một “điểm vàng” trên mặt, cái chi, là cái bộ râu trông rất chi là “cách mạng” mà đi đâu anh cũng mang theo ấy, có phải vì thế mà anh mặc kệ việc nó đẩy anh lùi vào quá khứ không.
Thắng cười hiền. Thường anh không phản biện lại những nhận xét về mình như thế. Tôi chơi với Trần Thắng chưa lâu, cũng là từ duyên bè bạn. Ở tuổi này, chơi được với nhau khó lắm. Một chút kiêu ngạo, một chút hợm mình, một chút tổn thương, có thể đẩy nhau ra xa mãi. Có lẽ anh cũng quý và hiểu tôi.
Biết Thắng nhiều việc, tôi không dám vây vo, nhưng duyên nợ thế nào mà bìa sách, mỹ thuật, maket, rồi cả standee buổi ra mắt cuốn sách gần đây của tôi đều do anh vẽ tặng. Tất cả gần như thể hiện trọn vẹn phong cách của tôi. Tôi đùa, sách còi có nhất thiết phải đẹp thế không.
Thắng mỉm cười, nếu muốn điều chỉnh gì, ông giáo cứ bảo, đừng ngại, của nhà giồng được. Tiếp xúc mới thấy, Thắng rất kiệm lời. Những gì sâu kín anh gửi vào tranh, vào thơ cả. “Dốc im lặng” là tập thơ-hoạ tuyệt đẹp anh vừa xuất bản (55 bài thơ, 32 bức tranh). Tôi hỏi Thắng, một tập sách có cần phải đẹp đến thế không? Anh lại cười hiền, “của nhà giồng được”, ông giáo ạ.
Thỉnh thoảng, tôi bắt xe từ Xuân Hòa về khu liên cơ, nơi anh mở xưởng vẽ để “giao lưu”. Bọn tôi hay đùa đây là “hang ổ” Trần Thắng, nơi mà mỗi khi chúng tôi đi bộ qua tầng 1, bác bảo vệ lại tủm tỉm cười, tầng 5 hả (ra điều ta biết tỏng các chú rồi).
Chúng tôi vui bởi được gặp nhau, được trút bỏ con người hành chính và những mệt mỏi xác thân, ngồi nhậu, nói chuyện vu vơ, nghe và hát mấy bài trữ tình buồn, cả bô-lê-rô nữa.
Thiên hạ nói gì, cũng mặc. Thắng không ồn ào nhưng quảng giao. Anh chơi với nhiều người, nhiều nhất là dân văn nghệ, chắc một phần do công việc.
“Hang ổ Trần Thắng” ngập tranh và rượu. Trong không gian không lấy gì làm rộng rãi ấy, Thắng vẫn dành những chỗ trang trọng nhất bày tranh của bạn bè, đủ thấy anh trọng bạn. Anh đùa bảo “góc thờ” bọn này đấy.
Khi say, Thắng hay chụp ảnh hoặc quay phim bè bạn. Tôi hiểu, là anh trân trọng những khoảnh khắc bạn bè và muốn giữ lại kỷ niệm giúp mọi người thôi, đúng như câu thơ anh viết: “Đụng ly nào một hơi dốc đáy/Xiết chặt tay lời chúc chân tình/Chén này tiền bạc thành mây khói/Chung này tham vọng hóa thành mây” (Bạn nhậu).
Thắng quảng giao, nhưng kén bạn và quý bạn. Lúc mới quen, tôi đùa, để em hát bài “Râu trắng mồm danh họa” tặng anh, Thắng lại cả cười. Ngoài đời, Thắng rất hiền, nhưng trong nghệ thuật, anh rất cá tính và kỹ tính.
Tôi không hiểu hội họa, chỉ thấy tranh anh rất đẹp. Thắng ưa dùng các gam màu nóng, rực rỡ. Anh không vẽ cái hiện thực nhìn thấy, mà vẽ những gì tưởng tượng ra. Xem Thiên hà, Mộng cầm, Bến chia ly, Đầu thai, Mơ sen, Về hướng cao xanh, Thoát xác, Hoa linh thảo, Mắt nhân gian, Tiếng mưa…, có cảm giác mỗi bức tranh của Thắng như là sự “nổ tung” cảm xúc để vượt thoát khỏi những bức bối của hiện thực. “Thiên hà” là nơi trú ngụ, “sự khởi sinh” là điểm tựa của anh. Nó gần như siêu thực, và đương nhiên, trừu tượng. Ngay cả Trâu đằm, Về quê cũng thế.
Có lần, tôi hỏi ngu ngơ, tranh anh có liên quan gì đến phút thăng hoa của tình dục không, là em nói cái “tình dục sinh sản” chứ không phải “tình dục giải trí” đâu, em nghi lắm. Thắng chỉ cười. Xem tranh Thắng, có lúc tôi liên tưởng đến Đa-li, nhưng là một Đa-li hiện hữu buồn, như câu thơ anh: “Hữu hình vừa cõi nhân duyên/Thoát vô hình cõi vô biên chạnh buồn”…
Trần Thắng làm thơ từ lâu, nhưng không ham nhiều và cũng ít đăng. Vừa rồi, phần vì bạn bè thúc giục, phần cũng là một cách để chơi, anh chọn những bài mình tâm đắc in thành “Dốc im lặng”.
Có thể nhận ra, nếu trong tranh, Thắng nổ tung cảm xúc qua nét vẽ, thì trong thơ, anh lại dồn nén chữ nghĩa trong một nốt trầm. Tôi thích câu “Bạc đầu mới biết cách lặng im” trong bài Cõi lòng cha của anh. “Lặng im” ở đây không phải không nói, mà là khoảnh khắc lắng đọng suy tư.
“Dốc im lặng” có thể là dốc cạn im lặng, uống hết im lặng vào trong (“Ta dốc cạn im lặng”), nhưng dốc im lặng cũng có thể là ngồi lặng im, an nhiên bên triền dốc. Và biết đâu, dốc im lặng lại có thể là “hương đắng nhạc đọng đáy ly”, “đụng ly nào một hơi dốc đáy”: “Cố giấu em về phía lặng yên/âm thầm ngực càng nhức/ thổn thức từng giọt chậm rơi/cà phê hay là nước mắt?/sao nỗi nhớ lại đau?/sao xa nhau lại đắng?/cuối ngày thêm trống vắng/nhắm mắt/mặc nắng gió cuốn đi” (Hương đắng)…
Thơ Trần Thắng là thơ của người hay nghĩ. Nó đa dạng, sâu sắc hơn rất nhiều những gì tôi cảm biết trong thực tế về anh. Nếu trong tranh, Thắng hay vẽ dày, lớp chồng lớp, thì trong thơ, đó là sự đan bện của rất nhiều suy tưởng. “Trĩu mạng nhện giọt pha lê/thiếu nữ nhà bên dịu dàng hong tóc/ngõ chợ ban mai họp sớm/ồn ào thêm hương sắc hoa/ Tung mình ra cửa/ý nghĩ bay lượn cùng chim/những con đường loáng ướt nhẹ dần nghiêng nắng/những hàng cây âm thầm lột xác/ngào ngạt ứa nhựa non/Sự sống giã từ điều giản đơn/quanh tôi mùa xuân khoe áo mới/muốn hát vang muốn phanh ngực áo/cùng nắng ấm mềm lau tóc em” (Sáng xuân).
Dốc im lặng của Trần Thắng mang đủ hiện hữu của một con người bình thường, với mình, với tha nhân. Đọc Dốc im lặng, thấy một ám ảnh “quê” trong thơ Thắng (trong tranh anh có Về quê, Trâu đằm, Mơ sen, Ký ức tuổi thơ). Quê trong tâm thức Thắng là hành trình “về nhận lại xóm làng”, là “tháng mười quê”, “Khói loang đẫm ướt vạt đê/Nồi bánh chưng ủ bốn bề nhớ thương”; “Con xua nhàu nhĩ bụi đường/Thảnh thơi đồng vọng tiếng chuông chùa làng” (Tất niên).
Thắng xa quê đã lâu, nhưng nỗi quê luôn ám ảnh khôn khuây, và dường như, tuổi càng nhích cao, càng sâu thẳm. Hóa ra, về tâm hồn, Thắng là một người quê ngụ phố: “Lạy mẹ con tỏ bến bờ/Lạy cha con lấm giấc mơ đồng làng/Tổ tiên bầm dập mùa màng/Nối truyền lận hụi võ vàng đất nâu” (Sang đò). Nhưng quê của Thắng là cái quê xưa. Quê giờ là quê đô thị hóa, quê buồn, nghe những tàn phai. Mạch thơ của Thắng khi ấy, đã chuyển thành thế sự.
Đọc Dốc im lặng, có thể nhận ra một chủ thể trữ tình luôn nồng ấm với “gia đình”, đặc biệt là với mẹ cha và những đứa con. Đây là Vu lan của Thắng: “Mẹ cha xa gọi tên nhắc nhở/Sao trong mơ cha mẹ chẳng nói gì/Con đuổi theo cháy bùng quần áo giấy/Tranh cỗ cô hồn lướt thướt mưa Ngâu” (Vu lan).
Thật thấm thía xúc cảm của kẻ bước vào tri thiên mệnh, thấu cảm cõi lòng cha: “Đến lúc con thay cha làm bóng cả/Gần cha hơn những tiếng thở dài” (Cõi lòng cha). Thắng có những bài thơ ấm áp dành cho các con. Tình cảm dồn nén, nhưng nói ra như một hơi thở nhẹ: “Con bật khóc khẳng định hiện hữu/thiên thần tí ti ơi/quá đỗi ồn ào/ấm mặn cầu vồng con tè đã lắm/hạnh phúc nào hơn con khóc cả nhà cười” (Thiên thần của ba).
Người cha trong thơ Thắng sâu sắc, luôn hướng con đến thiện lương: “Con kéo dài cuộc đời ba/tài sản cho con vài lời thật nhất/Dẫu kém cỏi vẫn phải là con/tổn thương hãy mỉm cười bình thản/qua những xót xa/rơi nước mắt cũng cần đúng chỗ/bất kể lúc nào cần an ủi/ba mẹ luôn chờ phía lưng con” (Thiên thần nghịch ngợm).
Nếu nhìn từ tâm thức gia đình, chủ thể trữ tình trong thơ Trần Thắng là con người ấm áp, đầy trách nhiệm, thì hình tượng người đàn ông trong thơ anh lại là kẻ lãng tử đa tình. Nhớ ngược, Chia tay phương Nam, Khắc khoải thành Tuyên..., dường như mỗi mảnh đất, con người, mỗi dấu chân qua là một cuộc tình.
Nhưng đó là thứ tình thơ lãng mạn, thanh sạch, tinh khôi: “Thanh sạch lặng sương tinh khôi cánh gió/Lên ngôi đi để rừng núi theo về/ Mãi giấu biệt nhau vào nửa khuyết/Trăng tròn vẫn khắc khoải đem vơi” (Khắc khoải thành Tuyên).
Hóa ra, tình của Trần Thắng là tình trong cõi mộng, mong manh, sương khói chơi vơi, đẹp và buồn: “Ngựa tung vó/em ngoảnh cười/rạng ngày môi mắt/những nụ xuân hé cánh thiên thần/gió mát xanh, vàng chanh hương dại/em gầy thế vẫn muốn phong phanh/Không giữ nổi nỗi niềm pha lê/ngân lên, ngân lên nhịp chuông lục lạc/tuột tay điều đã ước/hóa thành mây trắng bay” (Gọi Giêng Hai).
Dốc im lặng đan xen một số bài thơ thế sự, thể hiện một Trần Thắng ham chơi nhưng không quên trách nhiệm công dân. Anh có nhiều câu thơ hay ở mảng đề tài này: Giữa trùng khơi lấy sao làm điểm hẹn/Ngực em neo cột mốc chủ quyền (Niềm tin phía biển); Em về nơi nguôi một thời khốc liệt/Bước nhẹ thương lòng đất quê đau/Em về nơi hai mươi năm chia cắt chia ly/Mẹ chôn nhúm nhau ầu ơ lòng đất/Bên nớ bên ni cùng hàng di ảnh/Thả nến hoa cúi lặng lệ rơi (Nơi em về); Đường em đi bao cảnh đời nghiệt ngã/Đường xem về hoa trắng xuôi sông/Tuổi xuân hóa trời mây Yên Bái/Xanh trong cùng những thế hệ xả thân (Tuổi 29-tưởng nhớ phóng viên Đinh Hữu Dư).
Và đây, hãy cùng cảm nhận cái sâu sắc của Trần Thắng qua hình tượng người nghe sóng trong tác phẩm của anh: “Đất mẹ nằm ru con trên biển/Hoàng Sa, Trường Sa hai bầu sữa mặn/Nuôi lớp lớp người con mở cõi nhọc nhằn/Mỗi hạt cát một phần máu thịt/Bồi đắp định phận linh thiêng/Đất mẹ còng lưng chắn sóng/Tiếng Hoàng Sa, Trường Sa dội về nhức buốt/Vang rền non sông” (Nghe sóng).
Thơ Trần Thắng đậm chất siêu thực. Các bài Thiên sứ, Hóa thân, Sắc hoa dường như thể hiện đậm nét hơn điều này: “Sỏi đá cọ nhau gửi dấu vết/ta va nhau nát vụn trăng tròn/đã bạc đầu đã thấu điều sinh tử/nhìn nhau vàng/ký ức đau hơn” (Hoa vàng); “Bỗng mộng du sắc tím/cuồng điên chém dọc ngang tan biến/lăn lóc hé/nụ thủy chung bất diệt/giọt mực rơi mất dòng nhật ký/khóc tím nhòe hai tay” (Hoa tím); “Linh lan mơ/suông màu trắng sã/ngát trong veo vời vợi ưu phiền/Hoài nghi đùa giông bão/xúc cảm giỡn rêu phong/ảo mờ đuổi bất an/suy tưởng linh giác/trắng tự nhiên tĩnh lặng/hương linh lan cất lên từ nước mắt/run rẩy tin” (Linh lan).
Trần Thắng làm thơ ở hai thể dạng: lục bát (13 bài) và tự do (42 bài). Đọc Dốc im lặng của anh, đôi khi thấy phảng phất màu thời gian trong Xuân Thu Nhã Tập của Đoàn Phú Tứ. Thơ anh đặc biệt giàu hình họa. Hãy thử ngắm một bức của anh: “Tháng Ba háo nước/sông xanh gầy rộc bãi ngô non/tiếng thở dài vuông mắt lưới/mây ráng bão xa/con bói cá tung từng vệt xanh đỏ/đóng dấu chiều nắng oi/đò xuôi bên lở ướt váy cô dâu/úp mặt cỏ nhòe đôi bờ hoa cải” (Sông chân trời).
Trần Thắng viết kỹ, hiện đại, giàu ý tưởng, phảng phất siêu thực nên thơ anh không dễ đọc. Thơ anh hợp với đọc chậm, đọc một mình, vừa đọc, vừa suy ngẫm. Phải chăng đây là lý do anh không đọc thơ mình trước đám đông. Thơ Thắng không dễ đọc nhưng không rắc rối, cầu kỳ, làm dáng. Dốc im lặng là một cuộc chơi thơ, một cách để cái nốt lặng Trần Thắng giao tiếp với mọi người, đúng như anh viết: “Trải qua bao nhàu nhĩ xót xa/Liền sẹo những thương tổn đau đớn/ Thản nhiên trước thị phi tráo trở/Mắt hiền tay ấm tự nhiên” (Vô thường).
Khép lại tập thơ, Trần Thắng chọn Linh lan, Vô thường, Vĩnh hằng, những bài phảng phất âm hưởng tôn giáo, gợi ra một góc khác trong con người anh, nhưng đó là thứ tôn giáo an nhiên, một giác ngộ kiểu Thắng: thời khắc luân màu khí quyển/đầu nguồn đang mưa…
Nói Thắng tài hoa thì thừa, nói Thắng sâu sắc lại e không đủ. Ẩn mật Trần Thắng, nếu khó thấy hết trong tranh, trong thơ anh, thì hãy ngồi “chạm vào tĩnh lặng” cùng anh, bên ly đắng vậy./.
Phùng Gia Thế