Mới đây, tại trụ sở hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã có buổi sinh hoạt chuyên đề về Thơ cách tân 40 năm có gì mới qua việc nhà thơ Nguyễn Việt Chiến giới thiệu cuốn sách Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015. Cuốn sách này vừa được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2016.
Trong cuốn sách dày 1.100 trang Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015 viết theo dạng lý luận- phê bình, tôi mong muốn phác thảo chân dung các thế hệ nhà thơ Việt Nam trong suốt 40 năm qua với những đóng góp quan trọng của họ cho sự phát triển và đổi mới thi ca đương đại Việt Nam. Các nhà thơ này, mỗi người với tài năng và bản lĩnh thơ của mình đã khắc họa, đã dựng nên bức tranh đời sống đầy biến động cùng với những nỗi đau, mơ ước, khát vọng của con người trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Thơ Việt Nam sau 1975 – nền và đỉnh
Tuy giai đoạn sau 1975 có thể gọi là giai đoạn hậu chiến, nhưng sự ám ảnh của nỗi đau chiến tranh với những thương tích trong tâm hồn người Việt vẫn còn hằn dấu trong thi ca giai đoạn này, nhất là khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài tới năm 1989 mới chấm dứt và sau đó là nỗi lo về chủ quyền đất nước trên biển đảo.
Đứng trước những nguy cơ mới này, tôi đã từng trăn trở trong những vần thơ về nỗi đau chiến tranh như sau: “Những bài hát/ Một thời ngủ quên trong nòng súng/ Đêm nay thức dậy gió biên thùy/ Ta nhớ mẹ/ Mắt Trường Sơn sương trắng/ Chưa đêm nào nguôi quên/ Lại thương mẹ/ Mắt Trường Sa bão tố/ Chưa đêm nào ngủ yên/ Đất nước/ Ngoảnh về đâu cũng thấy bóng ngoại thù/ Giặc biên ải, giặc trời rồi giặc biển/ Những bài hát một thời/ Ngủ quên trong nòng súng/ Đêm nay thức dậy sóng trùng dương/ Những bài hát cồn cào như lửa/ Trong điệp khúc ngàn năm không ngủ/ Đất nước tôi/ Những người đi thăm thẳm dưới trời/ Không bao giờ khuất/ Cứ điệp trùng dưới đất/ Lại điệp trùng ngàn năm trên đất/ Những người đi thăm thẳm dưới sao trời”.
Tôi nghĩ, đấy cũng là một phần không nhỏ trong tâm thức người viết giai đoạn này. Có một điều bạn đọc rất đồng cảm là các nhà thơ sau 1975 không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao, cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc hoạ được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước. Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật. Nó mệt mỏi, nhức đau như chính cuộc đời vậy.
Những nẻo đường thi ca cách tân
Theo tôi, các nhà thơ giai đoạn 1975-2015 đã mang lại cho thi ca đương đại những phát hiện mới, có giá trị khắc hoạ bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những phận người-cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh.
Đọc thơ họ, chúng ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng rậm, trong bóng đêm ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng- cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực- làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận.
Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim, điều đó làm cho người đọc thấy gần gũi và đồng cảm với nhà thơ, khi độc giả không bị áp đặt bởi một chủ thể ngôn ngữ có ý định mà được tham dự cùng tác giả vào những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này. Sự dồn nén, bức xúc của tâm trạng bật lên trong họ những câu thơ không chịu bằng phẳng và sự chuyển tải của những nỗi niềm, những ẩn ức đang còn khuất lấp trong tâm hồn thi sĩ đã tự tìm cho mình một hình thể mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ và những bài thơ đổi mới của họ ra đời.
Tôi cũng cho rằng, từ 1975 đến nay đã hơn 40 năm, mặt bằng chung dân trí của chúng ta đã đựơc nâng lên nhiều và mặt bằng chung của văn học cũng xuất phát từ một cái nền khá cao. Ở đây, tôi muốn nói đến mặt bằng sáng tạo văn học (tầm tri thức của người viết) và mặt bằng thưởng thức văn học (tầm tri thức của người đọc) đều được nâng lên. Điều này cho thấy nền thơ của chúng ta ngày càng đòi hỏi một cách nhìn nhận nghiêm túc và khắt khe hơn.
Có thể nói những nhà văn hôm nay được chuẩn bị khá đầy đủ, thuận lợi cả về học vấn và môi trường sáng tác. Nhưng để vượt lên trên cái mặt bằng văn học khá cao ấy, để khẳng định một phong cách mới mang dấu ấn tài năng của một tác giả lớn, để trở thành những “đỉnh cao” văn chương thì đấy lại là chuyện không đơn giản chút nào. Vì thế, để có được một bước “đột phá” mới trong sáng tạo thi ca trên cái nền văn học khá cao ấy là một thử thách rất lớn đối với những người cầm bút hôm nay, nhất là thế hệ các nhà văn trẻ.
Từ xưa đến nay, đổi mới văn chương- thi ca vốn là công việc khó khăn, khó nhọc muôn phần của người sáng tạo. Còn luận bàn về sự tìm tòi, đổi mới của thi ca chắc cũng không dễ dàng gì hơn. Nhưng không lẽ, cái khó khăn lớn nhất của việc mở đường, khai phá miền đất mới cho thi ca đã được các nhà thơ làm rồi, còn việc giới thiệu, cổ vũ, luận bàn về cái mới ấy, chúng ta lại cứ e dè, xét nét, ngâm ngợi mãi sao ? Bởi vậy, trong cuốn sách Thơ Việt Nam tìm tòi & cách tân 1975-2015, tôi trước hết đặt vấn đề quan sát, phát hiện, ghi nhận các tác phẩm- tác giả có dấu ấn của sự tìm tòi, cách tân thi ca xuất hiện trong 40 năm qua.
Thơ mới khó đọc hơn thơ cũ, không chỉ vì năng lượng tư tưởng của thơ cách tân có nhiều dạng thức mới, mà bởi sự chối bỏ vần điệu của thơ tự do khiến cho nhiều độc giả quen thưởng thức thơ có vần điệu thấy khó vào, khó hiểu. Do vậy, qua cuốn sách này, tôi cũng mong muốn làm sao đó góp phần để cho độc giả yêu thơ hôm nay có thể làm quen với một cách đọc-thơ-mới, một cách cảm xúc mới.
Một trong những thành tựu nổi bật của thế hệ nhà thơ hiện đại Việt Nam sau 1975 là, họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới.
Nhận xét về cuốn sách của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vừa được trao giải thưởng, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch hội Liên hiệp Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội đánh giá cao những phát hiện, đóng góp của cuốn sách và cho rằng: “Cuốn sách này là công trình tổng kết công phu ở thể thống nhất về thơ Việt Nam đương đại, đề cập không những đến các tác giả trong nước mà còn ôm trùm cả các tác giả Việt kiều hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài, cũng như một phần các tác giả có đóng góp về thơ từ các thành thị miền Nam bị tạm chiếm trước đây”. Đồng quan điểm, nhà thơ Đỗ Trung Lai đánh giá cao về sự liên tài của tác giả trong việc sưu tầm công phu các tư liệu và bình luận thơ của 69 nhà thơ Việt Nam nổi tiếng trong 40 năm qua.
Nguyễn Việt Chiến