Chế định “mang thai hộ” lần đầu được đưa vào trong dự luật, nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và cũng không ít quan ngại của đại biểu Quốc hội.
Băn khoăn về khái niệm nhân đạo
Góp ý liên quan đến
quy định mang thai hộ trong phiên thảo luận về Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) hôm 26/11, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, con cái sẽ là sự gắn bó, gắn kết giữa vợ chồng, bảo tồn nòi giống. Vì vậy, việc mang thai hộ có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính nhân đạo. Tuy nhiên, thực tế mang thai hộ ít có trường hợp tự nguyện ngoại trừ chị, em gái, người thân trong họ tộc nhưng cũng phải được sự đồng ý của chồng. Thực tế cho thấy các cặp vợ chồng không có khả năng sinh sản thường thỏa thuận với người mang thai hộ một số điều kiện khi mang thai, trong đó có đề cập đến lợi ích của người mang thai hộ.
“Hay trường hợp thai cấy từ thụ tinh ống nghiệm vào người mang thai hộ, nhưng sau đó không giữ được, người mang thai hộ có quan hệ với chồng hoặc bạn tình mang thai, nhưng vì lợi ích riêng tư mà không nói ra, như vậy đứa trẻ sinh ra không phải con của người nhờ mang thai?”, ông Hoàng phân tích.
Đại biểu Hoàng cho rằng, nếu thỏa thuận hai bên thể hiện bằng hợp đồng quy định và điều kiện ràng buộc lẫn nhau thì đây là giao dịch dân sự, ý nghĩa mang thai hộ không còn giá trị. “Chúng ta mới nghĩ nhân đạo cho người không mang thai được, còn người mang thai hộ có nhân đạo không và thậm chí với đứa trẻ mới sinh ra nữa. Đó là những vấn đề cần đặt ra trước khi quyết định đưa vào luật, theo tôi chưa nên quy định việc mang thai hộ vào luật”, ông Hoàng nói.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng: “Người phụ nữ hạnh phúc gì bằng khi mang nặng đẻ đau mà bên cạnh có chồng và người thân an ủi, ngược lại người phụ nữ cũng sẽ bất hạnh vô cùng khi phải vượt cạn một mình và rủi ro xảy ra trong thai sản chưa ai lường hết được và rủi ro đó phần lớn người phụ nữ mang thai hộ lại phải gánh chịu”. Theo nữ đại biểu, như vậy là xem nhẹ công lao sinh đẻ của người phụ nữ.
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: “Đứa trẻ sinh ra có thể chịu thiệt thòi dù nó không có tội gì”. Ảnh: TT Báo chí Quốc hội. |
Cũng về sự thiệt thòi của đứa trẻ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói đến yếu tố mất nhân đạo hơn là nhân đạo. “Điều 94 quy định nếu vi phạm hợp đồng thì con sinh ra thuộc về người mang thai hộ. Như vậy, vô tình người mẹ không có ý định sinh con, trứng này không phải là trứng của vợ chồng mình, khi sinh ra một đứa con thì lại phải nuôi đứa con này. Chưa nói đến hậu quả của đứa con này là khi sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi mà bản thân nó không có tội tình gì”, bà Phương ví dụ. Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) thì băn khoăn: “Việc quy định trẻ em là đối tượng của hợp đồng trong thỏa thuận mang thai hộ đương nhiên biến trẻ em thành hàng hóa giao dịch thì liệu ý nghĩa nhân đạo có còn tồn tại hay không?”
Sao chia lìa được tình mẹ - con?
Không đồng tình với chế định mang thai hộ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nhận định: “Đây là quy định mang tính hai mặt: nhân đạo với người này mà là bất nhân với người khác và còn nảy sinh ra rất nhiều các hệ lụy khác trong xã hội. Tôi đề nghị không nên quy định điều này trong luật, vì số đã thế rồi!”. Đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) thì dẫn chứng việc 28 nước EU có tới 20 nước cấm mang thai hộ, do đó, cần nghiên cứu kỹ, nhất là với quốc gia có truyền thống, phong tục như Việt Nam.
“Trong quá trình mang thai, người phụ nữ được nhờ mang thai đó xảy ra rất nhiều vấn đề như việc sinh đẻ sau này như thế nào, hoặc vấn đề bảo vệ cho đứa trẻ, đứa trẻ đẻ ra có được bú sữa mẹ không hay khi đẻ ra xong là đưa cho người nhờ mang thai, đó là vấn đề chúng ta phải bảo vệ cho những người phụ nữ cũng như đưa trẻ sau này, rồi một loạt vấn đề xảy ra. Trong thời gian hiện nay chưa cần thiết, chúng ta cần nghiên cứu, tổng kết và nên khuyến khích các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con nên nhận nuôi con nuôi”, đại biểu Lâm đề nghị.
|
Đại biểu Triệu Thị Nái. Ảnh: TTXVN |
Nữ đại biểu cho rằng, người mẹ nào chia lìa được đứa con, trả lại đứa trẻ cho người khác thì người đó chỉ vì tiền bạc. Do đó, bà đề nghị không nên quy định mang thai hộ cho dù mục đích đặt ra là nhân đạo.
Bà Triệu Thị Nái còn hài hước “cảnh báo” về quy định người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của vợ, chồng và đã từng sinh con. “Nếu như vậy thì rất dễ đây sẽ là điều kiện tốt để người đàn ông này lấy lý do thăm người mang thai hộ thường xuyên và từ đó lại nảy sinh tình cảm, thôi thì "mía ngọt đánh cả cụm" vợ lớn, vợ bé lại càng rắc rối…”, nữ đại biểu nhận định.
Theo
Giadinh.net.vn