Seoul vừa công bố một thỏa thuận mới đạt được với Hoa Kỳ về việc phát triển hệ thống tên lửa của nước này. Theo đó, Nam Hàn sẽ giảm dần sự phụ thuộc về quốc phòng vào quân đội Mỹ bằng cách xây dựng hệ thống tên lửa có tầm bắn tới 800 km. Theo thỏa thuận hiện tại với Washington, các tên lửa Hàn Quốc bị giới hạn ở tầm bắn tối đa 300 km.
Thỏa thuận mới này giữa hai nước có khả năng sẽ kích động phản ứng giận dữ từ phía Bắc Triều Tiên, vốn đang tăng cường chỉ trích chính phủ Tổng thống Lee Myung Bak trước cuộc bầu cử tại Hàn Quốc vào tháng Mười Hai tới.
"Mục đích quan trọng nhất của chúng tôi là nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích vũ trang của Bắc Triều Tiên", ông Chun Yung Woo, phụ tá an ninh của Tổng thống Lee, nói với các phóng viên ở Seoul.
Hàn Quốc sẽ có thêm tên lửa khủng hơn nữa để đối phó với “người anh em” phương Bắc
Thỏa thuận này cũng cho phép Hàn Quốc trang bị cho tên lửa các đầu đạn thông thường với khối lượng nặng hơn mức giới hạn 500 kg hiện nay. Máy bay điều khiển từ xa của Hàn Quốc sẽ được mang theo các tên lửa có khối lượng tới 2,5 tấn, gấp 5 lần mức 500 kg hiện tại.
Hàn Quốc kỳ vọng, hệ thống tên lửa mới sẽ giúp nước này an toàn hơn trước tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Các nhà phân tích tin rằng Bắc Hàn đang sở hữu tới hơn 1.000 tên lửa, trong đó có loại tiên tiến nhất là Taepodong mà về mặt lý thuyết, có khả năng tấn công cả các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận tên lửa mới này được hai nước tiến hành từ năm 2010. Ban đầu, phía Hàn Quốc đòi được sở hữu tên lửa tầm bắn ít nhất là 1.000km để có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, đòi hỏi này đã bị Hoa Kỳ kiên quyết bác bỏ.
Trong khi Chính phủ và giới quân sự Hàn Quốc tỏ ra hoan hỉ, báo giới nước này lại có thái độ thất vọng về thỏa thuận khi gọi đây là một kết quả nghèo nàn. Theo họ, tầm bắn 800km này của tên lửa Hàn Quốc chẳng thấm vào đâu so với tên lửa Musudan của CHDCND Triều Tiên, có thể bắn trúng mục tiêu từ 3.000 đến 4.000 kilomet và mang đầu đạn 650 kg.
Việc Seoul tiếp tục bị ngăn cấm phát triển các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn cũng khiến cánh báo chí Hàn Quốc ấm ức. Các báo Hàn dẫn chứng rằng, Trung Quốc đã có tên lửa đạn đạo, Nhật Bản cũng có thể nhanh chóng chế tạo các tên lửa xuyên lục địa từ các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hiện có. Tờ Chosun nhắc lại vụ Triều Tiên đánh đắm tàu Cheonan và pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc rồi kết luận, chính tiềm lực quân sự yếu ớt của nước này đã khiến các nhà lãnh đạo cộng sản phương bắc coi thường họ.
Hai ngày sau khi thỏa thuận tên lửa Mỹ - Hàn được công bố, Triều Tiên tuyên bố đã triển khai lực lượng tên lửa chiến lược có khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên, cơ quan ngôn luận chính thức của nước này, dẫn lời một phát ngôn viên của ủy ban quốc phòng cho biết Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ kẻ thù nào. "Quân đội cách mạng của chúng ta, bao gồm cả lực lượng tên lửa chiến lược, đã sẵn sàng tấn công không chỉ Hàn Quốc và Mỹ tại bán đảo Triều Tiên, mà còn có thể tấn công các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, đảo Guam và thậm chí trên cả lãnh thổ Mỹ", quan chức này nói. |
Thanh Tùng (theo Telegraph và Chosun)