Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017-2020, trong đó có nội dung quan trọng là tăng vốn điều lệ cho Vinachem lên 20.000 tỷ vào năm 2020 và thoái hết vốn ở 4 công ty: Hóa chất Hà Bắc, DAP-Vinachem, DAP số 2-Vinachem và Đạm Ninh Bình.
Mong manh lối thoát
Đề án tái cơ cấu Vinachem đã được nhắc đến nhiều năm nay, bởi đây là tập đoàn có quy mô lớn, đa sở hữu với cơ cấu gồm 1 công ty mẹ, 37 công ty con, 1 viện nghiên cứu, 1 trường cao đẳng, trong đó nhiều công ty con làm ăn không hiệu quả, nhiều dự án thua lỗ, “đắp chiếu” kéo dài.
Trong 12 dự án thua lỗ nghiêm trọng của ngành Công thương khiến báo chí tốn bao giấy mực có 4 công ty thuộc Vinachem là CTCP Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP-Vinachem, CTCP DAP số 2-Vinachem, công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Đặc biệt, hai dự án Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc là “thủ phạm” biến Vinachem từ tập đoàn lãi nghìn tỷ thành “cục nợ” của bộ Công Thương.
Vì vậy, việc Chính phủ chấp nhận cho thoái vốn tại 4 công ty này được coi là lối thoát sớm cho Vinachem, bởi cho đến nay trong 12 dự án thua lỗ của bộ Công Thương, mới chỉ 4 dự án này được phê duyệt hướng xử lý.
Tuy nhiên, việc thoái vốn chỉ khả thi khi 4 công ty này “hết lỗ và sản xuất kinh doanh có hiệu quả” – phê duyệt của Phó Thủ tướng nêu rõ. Căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại của 4 “vũng lầy” kể trên thì lối thoát vừa được mở ra vẫn chỉ là “ánh sáng le lói cuối đường hầm”.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã soát xét của Vinachem thì 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của tập đoàn này là 21.480 tỷ đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh chỉ 268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 48 tỷ đồng.
Tuy tỉ suất lợi nhuận thấp nhưng vẫn là thông tin tích cực so với khoản lỗ 203 tỷ đồng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016.
Trong kỳ, Vinachem phải “cõng” đến 1.182 tỷ đồng chi phí tài chính, riêng các khoản lãi vay là 1.057 tỷ đồng. Khối lượng vay nợ tài chính của Vinachem từ lâu đã chạm ngưỡng báo động, tập trung chủ yếu cho hai dự án Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.
Tính đến hết tháng 6/2017, các khoản nợ ngắn và dài hạn của Vinachem đã lên tới hơn 38.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tại thời điểm này chỉ có 19.143 tỷ đồng.
Trong đó, công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc – đơn vị vận hành nhà máy Phân đạm Hà Bắc trực tiếp vay hơn 8.000 tỷ đồng, công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vay hơn 3.100 tỷ, DAP Vinachem vay 330 tỷ đồng và DAP2 Vinachem vay hơn 3.300 tỷ đồng.
Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh của nhóm 4 công ty kể trên không hề tỉ lệ thuận với mức độ đầu tư của công ty mẹ. Đạm Ninh Bình có vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, kể từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay đều thua lỗ, năm 2015 lỗ 364 tỷ đồng, dẫn đến tình trạng tạm dừng sản xuất.
Năm 2016, kết quả kinh doanh của Đạm Ninh Bình lại tiếp tục lỗ thêm 1.132 tỷ đồng. Hiện tại lỗ lũy kế lên tới trên 3.058 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ là 2.500 tỷ đồng.
Dự án nhà máy Phân đạm Hà Bắc giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng mới chỉ sau 2 năm hoạt động cũng thua lỗ lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.
Báo cáo của Vinachem cũng cho biết, hết năm 2017, 4 dự án nói trên bắt đầu duy trì sản xuất. Với mục tiêu vực dậy các dự án này một cách tích cực nhất để công tác thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất các giải pháp cắt giảm chi phí được thực hiện khắt khe. Tiêu biểu như công ty CP DAP-Vinachem đã sản xuất, kinh doanh có lãi 5,2 tỷ đồng, 3 dự án còn lại cũng có những chuyển biến tích cực mặc dù vẫn còn những vướng mắc.
Giải pháp nào?
Đến thời điểm hiện tại, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với Vinachem là nguồn vốn. Với mức vốn điều lệ hiện tại là 11.659 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ 19.143 tỷ đồng trong khi vay nợ tín dụng ngắn và dài hạn đã lên tới hơn 38.000 tỷ đồng, câu chuyện điều hành doanh nghiệp bằng nội lực của Vinachem là chuyện hoàn toàn không có cơ sở.
Bởi vậy, việc Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 trong đó đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2020 (tương đương tăng 70% so với mức vốn điều lệ hiện tại) giống như chiếc phao cứu sinh cứu tập đoàn này qua cơn đuối nước.
Trước khi được phê duyệt tăng vốn điều lệ, Vinachem đã không ít lần loay hoay với bài toán gỡ khó nguồn vốn của mình.
Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2017, Tập đoàn này có công văn gửi bộ Công Thương và bộ Tài chính báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó có đề nghị tăng vốn ít nhất 5.000 tỷ đồng để giảm bớt gánh nặng vay nợ và cải thiện tình hình kinh doanh, qua đó đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa công ty mẹ và tái cơ cấu cả Tập đoàn.
Theo Vinachem, vốn điều lệ được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định 190/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 là 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đến thời điểm cuối tháng 6/2016 mới chỉ là 13.818 tỷ đồng, tức là vẫn thiếu khoảng 2.200 tỷ so với mức được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho nguồn vốn trả nợ và triển khai dự án đầu tư.
Ngoài đề nghị tăng vốn, Vinachem cũng không ít lần đề xuất giãn nợ, xin ngân sách cấp phát trả nợ. Nhiều đề xuất khiến dư luận không đồng tình.
Thời điểm giữa năm 2017, Tập đoàn này đề xuất khoanh nợ gốc 5 năm (2017-2022) khoản vay 162,5 triệu đô la Mỹ tại dự án Đạm Ninh Bình đến nay không có khả năng trả và đề nghị Chính phủ trả thay. Tuy nhiên đề xuất này không được chấp nhận do bộ Tài chính cho hay, nguồn thu của quỹ Tích lũy trả nợ quốc gia do Bộ này quản lý rất hạn chế và đang còn định kỳ trả thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp gặp khó như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC)... do đó không có nguồn để trả cho Vinachem và Đạm Ninh Bình.
Trước đó, tại công văn số 1202 gửi bộ Công Thương và bộ Tài chính ngày 5/9/2016, Vinachem cũng kiến nghị hai Bộ báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung vốn điều lệ từ nguồn quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương.
Cũng tại công văn này, ngoài đề xuất tăng vốn, Vinachem còn đề nghị chuyển 2.700 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Phát triển tại dự án Đạm Ninh Bình thành ngân sách cấp phát trực tiếp, đồng thời đề xuất khoanh, giãn hơn 10.000 tỷ đồng vay nợ các ngân hàng trong và ngoài nước tại hai dự án Đạm Ninh Bình và Phân đạm Hà Bắc.
Trong báo cáo kế hoạch kinh doanh năm 2017 được lập vào thời điểm quý 3/2016, Tập đoàn này cũng khẩn thiết đề nghị Chính phủ “giải cứu” hai nhà máy phân đạm Hà Bắc và Ninh Bình bằng hỗ trợ từ nguồn quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương, giảm giá bán than cho sản xuất phân bón, chuyển nợ vay vốn đầu tư của ngân hàng VDB cho dự án Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại Vinachem, với số nợ 2.708 tỷ đồng.
Khoản nợ 250 triệu USD với đối tác Eximbank Trung Quốc của Đạm Ninh Bình, Vinachem cũng đề nghị Thủ tướng cho khoanh nợ khoản vay trong thời hạn 5 năm.
Với dự án Đạm Hà Bắc, Vinachem đề nghị Thủ tướng cho phép khoanh nợ khoản vay của dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc tại VDB, cũng như điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.
Ngoài ra, Vinachem còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện vốn tại các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc vay vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và kiến nghị bộ Công Thương không tiếp tục xem xét, cấp phép đầu tư dự án sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp...
Phần lớn các đề xuất nói trên của Vinachem khiến dư luận không đồng tình. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng giải pháp tốt nhất là cho phá sản, đóng cửa các nhà máy thua lỗ của Vinachem chứ Chính phủ không nên đổ thêm tiền vào các “vũng lầy nợ đọng” đó nữa.