Thoái vốn khỏi Tràng Tiền Plaza, ngân sách thu về hàng ngàn nghìn tỷ

Thoái vốn khỏi Tràng Tiền Plaza, ngân sách thu về hàng ngàn nghìn tỷ

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 5, 06/07/2017 11:01

Với việc đã bỏ hàng trăm tỷ đồng vào cải tạo, nâng cấp Tràng Tiền Plaza, bố chồng Tăng Thanh Hà là ứng viên hàng đầu sở hữu đất vàng ven Hồ Gươm một khi Nhà nước tiến hành thoái vốn.

Bất động sản - Thoái vốn khỏi Tràng Tiền Plaza, ngân sách thu về hàng ngàn nghìn tỷ

 Tràng Tiền Plaza hoạt động khá èo uột sau gần 2 thập kỷ được xây dựng

Hẩm hiu số phận đất vàng

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa trình Thủ tướng và Bộ Tài chính phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền (đơn vị sở hữu Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza).

Theo đó, SCIC đề xuất vẫn giữ tỷ lệ chi phối (51%) sau cổ phần hóa đối với doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 4.346 m2 đất vàng ngay cạnh Hồ Gươm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý là Bộ Công thương lại muốn bán hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, do thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần để đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Giải thích điều này, SCIC cho rằng chủ sở hữu Tràng Tiền Plaza là đơn vị đặc biệt, đang sở hữu công trình mang tính biểu tượng lịch sử, văn hóa của thủ đô Hà Nội nên cần giữ tỷ lệ quá bán.

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền được thành lập tháng 5/1999. Năm 2000, Tràng Tiền Plaza được xây mới trên vị trí Bách hoá Tổng hợp cũ, nhìn ra Hồ Gươm.

Tràng Tiền Plaza khai trương vào năm 2002 trên cơ sở hợp tác giữa Tổng Công ty Vinaconex với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), được xem như biểu tượng của kinh tế Thủ đô thời hội nhập.

Vào thời điểm này, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền có vốn điều lệ 15 tỷ đồng (hiện nay là 20 tỷ đồng), Vinaconex góp 90%, tương đương 13,5 tỷ đồng, Hapro sở hữu phần còn lại.

Năm 2007, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Vinaconex, phần vốn góp của doanh nghiệp này tại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền được chuyển giao cho SCIC. Tuy vậy, sau nhiều lần đổi chủ đi kèm với sửa mới cải tạo song Tràng Tiền Plaza vẫn hoạt động khá ảm đạm, với kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng.

Việc Bộ Công thương muốn thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền có thể sẽ mở ra hướng đi mới, tươi sáng hơn cho Tràng Tiền Plaza. Bên cạnh đó cũng hứa hẹn sẽ mang về một khoản tiền không nhỏ cho ngân sách.

Tổ hợp thương mại Tràng Tiền Plaza có diện tích 4.346 m2, nằm ngay ngã ba các phố Tràng Tiền, Hàng Bài và Hai Bà Trưng và được đánh giá là một trong những mảnh đất có vị trí đẹp nhất Thủ đô. Có mức giá lên tới cả tỷ đồng mỗi m2.

Bởi vậy nếu được đưa ra đấu giá công khai, minh bạch, việc thoái vốn khỏi chủ sở hữu Tràng Tiền Plaza có thể mang về cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Hé lộ ứng viên nặng ký

Sau khi SCIC và Hapro trở thành chủ mới của Tràng Tiền Plaza, hai đơn vị này đã hợp tác với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Jonathan Hạnh Nguyễn (bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà) cải tạo, nâng cấp và thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của Tràng Tiền Plaza.

Được biết, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza. Và bởi vậy, một khi Nhà nước tiến hành thoái vốn tại đây, tập đoàn của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là ứng viên hàng đầu để sở hữu đất vàng ven Hồ Gươm.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam. Người vợ đầu của ông, mẹ ruột chồng của Tăng Thanh Hà là cháu họ của Imelda Marcos – phu nhân cựu Tổng thống Philippines Feedinand Marcos. Hai người ly hôn sau một khoảng thời gian sinh sống và hiện tại, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang sinh sống cùng nữ diễn viên một thời Lê Hồng Thủy Tiên tại Việt Nam.

Bố chồng Tăng Thanh Hà hiện là Tổng đại diện của Philippines Airline tại khu vực Đông Dương. Tên tuổi của ông được biết đến với tập đoàn kinh doanh đa quốc gia IPP, “đế chế” nắm giữ 70% thị phần hàng hiệu tại Việt Nam. Ngoài Tràng Tiền Plaza, ông Johnathan còn sở hữu trung tâm thương mại siêu sang Rex Arcade tại tầng trệt khách sạn Rex – TP. Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu, IPP Group tên đầy đủ là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (tên tiếng Anh là Imex Pan – Pacific Co.Ltd), được thành lập vào tháng 10/2002 và đóng trụ sở tại tòa nhà Opera View 161 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

IPP Group hiện có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó ông Jonathan Hạnh Nguyễn góp 540 tỷ đồng (90% vốn) và bà Lê Hồng Thủy Tiên sở hữu 10% vốn (60 tỷ đồng). Vai trò của bà Thủy Tiên ở tập đoàn IPP Group là rất lớn, khi cựu diễn viên sinh năm 1970 thay mặt chồng đứng ra làm người đại diện theo pháp luật ở IPP Group với chức vụ tổng giám đốc.

Ngoài ra bà Thủy Tiên còn là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp liên quan như là tổng giám đốc của Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tân Sơn Nhất (Vốn điều lệ 100 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Thế kỷ vàng (VĐL: 61,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sao sáng Nha Trang (VĐL:150 tỷ đồng), Công ty TNHH Quảng cáo Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương hay Công ty TNHH Phát triển Vương Miện. Ngoài ra bà còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (vốn điều lệ 100 tỷ đồng) hay Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (VĐL: 100 tỷ đồng).

IPP Group những năm qua đã và đang đầu tư rất mạnh vào mảng thương mại hàng không, với mục tiêu sở hữu một hệ thống cửa hàng dịch vụ ở các sân bay trong nước. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tháng Tư vừa qua đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) sau khi IPP Group cùng các doanh nghiệp liên quan trong năm 2016 đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 23,6% lên 43,7%.

Vợ ông, bà Thủy Tiên cũng giữ chức thành viên HĐQT SASCO từ cuối năm 2014 khi IPP Group đầu tư vào thành viên của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

SASCO là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với các nguồn thu chính gồm: Kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại, với doanh thu 2.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 234 tỷ đồng trong năm 2016.

IPP Group hiện còn là cổ đông lớn nhất của CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC), góp 330 tỷ đồng, tương đương 55% vốn cổ phần của CRTC.

Nghi Điền

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.