Chiều ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp ĐHĐCĐ ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT cho hay: “Năm 2020, VPBank ghi nhận 13.019 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26% so với năm trước, hoàn thành 127,5% kế hoạch. Khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.414 tỷ đồng.
Sau khi trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển, phần lợi nhuận còn lại có thể dùng để phân phối cho cổ đông tại VPBank là 8.852 tỷ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến xin cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận kể trên để làm nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng”.
Ông Bùi Hải Quân cũng trình cổ đông phương án tái phát hành/bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho nhân viên (ESOP) và cho các nhà đầu tư mới. Hiện VPBank có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ, tạm tính theo giá thị trường (47.200 đồng/cổ phiếu), giá trị lô cổ phiếu quỹ này vào khoảng 3.500 tỷ đồng.
Trong phương án phát hành ESOP, HĐQT VPBank đề xuất bán 15 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhân viên. Trong đó, số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm, giải tỏa từng phần 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III/2021.
Ngoài ra, tại đại hội lần này, HĐQT ngân hàng cũng đề nghị cổ đông ủy quyền thực hiện một số nội dung quan trọng liên quan mua, bán vốn tại công ty con.
Chia sẻ về thương vụ bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui, ông Bùi Hải Quân cho hay: VPBank sẽ chuyển nhượng tối đa 50% vốn góp của VPBank tại FE Credit (tương đương 50% vốn điều lệ của FE Credit) cho các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các giao dịch chuyển nhượng: giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp tương đương 49% vốn điều lệ của VPBank trong VPB FC cho SMBC Consumer Finance Co., (SMBC CF - nhà đầu tư Nhật Bản) và giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp tương đương 1% vốn điều lệ của VPBank trong Fe Credit cho CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Sau khi hoàn tất giao dịch, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank theo quy định pháp luật.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc bán FE Credit có ảnh hưởng tới doanh thu của VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh - thành viên HĐQT nhấn mạnh: “FE Credit sau khi bán vẫn là công ty con của VPBank. VPbank vẫn tiếp tục hạch toán trong bản cân đối hợp nhất. Đồng thời, VPBank sẽ có kế hoạch chiến lược cùng đối tác phát triển để làm sao đưa FE Credit phát triển lớn mạnh hơn.
Tôi cũng nhận mạnh, việc bán này không phải VPBank bỏ đi một “con gà trứng vàng”. Thực tế, VPBank tìm đối tác, qua đó đem lại giá trị lớn hơn. VPBAnk mong muốn "miếng bánh" cho vay tiêu dùng phát triển cao hơn nữa.
Trong năm 2021 hoặc 1-2 năm đầu, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể không tăng, nhưng dài hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng. FE Credit vẫn là một trong những bộ phận quan trọng của ngân hàng”.
Tại cuộc họp, cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh trong năm 2021 của VPBank. Cụ thể, nhà băng này ước tính tăng trưởng tổng tài sản hợp nhất cả năm nay có thể đạt 17,4%, đạt gần 491.886 tỷ đồng đến cuối năm 2021.
Trong đó, các chỉ tiêu tài chính như tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến tăng 10,5%, đạt 327.280 tỷ; dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6%, đạt 376.340 tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, mức tăng trưởng tín dụng này sẽ được thực hiện dựa trên hạn mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Với các chỉ tiêu tài chính này, VPBank ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm nay có thể đạt 16.654 tỷ đồng, tăng gần 28% so với số thu năm 2020, tương đương mức tăng ròng hơn 3.600 tỷ.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh các chỉ tiêu kế hoạch này được đưa ra dựa trên giả định và phân tích kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và kế hoạch tăng trưởng ngành ngân hàng.
Vì vậy, HĐQT đề nghị cổ đông cho phép chủ động quyết định các định hướng hoạt động của ngân hàng cũng như việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và các giới hạn, chủ trương của NHNN.
Chia sẻ về các nguồn thu của VPBank trong năm 2021, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, VPBank dự kiến sẽ có 3 nguồn thu đó là lợi nhuận năm 2021, thu từ bán FE Credit và ký lại hợp đồng bảo hiểm vào khoảng tháng 6/2021.
"Với các nguồn thu này, cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt khoảng 90.000 tỷ. Cuối năm, chúng tôi sẽ đề xuất ĐHĐCĐ nâng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu lên tối thiếu khoảng 75.000 tỷ đồng", ông Dũng nói.