Theo HNX, khối lượng cổ phần đăng ký mua xấp xỉ 69,8 triệu cổ phiếu, gấp đôi lượng chào bán. Trong đó, 6 nhà đầu tư tổ chức đặt mua 33,45 triệu cổ phiếu và 48 cá nhân đăng ký 36,35 triệu cổ phiếu.
Thông tin từ HNX cho biết, khối lượng đặt mua cao nhất lên tới 27,3 triệu cổ phiếu, khối lượng đặt thấp nhất 500 cổ phiếu. Phiên đấu giá này không thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài nào.
Giá đấu thành công thấp nhất 9.700 đồng/cổ phần trong khi mức giá đấu thành công cao nhất là 13.800 đồng/cổ phần, cao hơn 43,75% với giá khởi điểm. Giá đấu thành công bình quân là 9.978 đồng/cổ phần, chỉ nhỉnh hơn 3,9% so với giá khởi điểm.
Tổng cộng, Mobifone thu về gần 334 tỷ đồng. Thời gian nộp tiền mua cổ phần từ 08/02/2018 đến 16h ngày 22/02/2018.
Tới đây, Mobifone cũng sẽ tiếp tục bán phần vốn góp tại TPBank với số lượng gần 5,55 triệu cổ phần. Thực tế, phiên đấu giá này dự kiến được thực hiện cùng ngày hôm nay. Tuy nhiên, Mobifone đã có công văn gửi HNX đề nghị tạm dừng đấu giá để làm rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TPBank.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2016, Mobifone cũng đã thực hiện đấu giá cổ phần tại SeABank và TPBank nhưng không thành công.
Với giá khởi điểm cũng là 9.600 đồng/cổ phần SeABank nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký mua nên HNX phải hủy đấu giá với khoản thoái 33,4 triệu cổ phần.
Còn tại TPBank, số lượng đem ra đấu giá là hơn 14,28 triệu cổ phần (tương đương 2,57% vốn điều lệ dự kiến) song Mobifone chỉ bán được 8,7 triệu cổ phần, chiếm 61% tổng khối lượng đem ra đấu giá, với giá đấu thành công bình quân bằng mức giá khởi điểm 8.900 đồng/cổ phần. Kết thúc phiên đấu giá èo uột này, Mobifone chỉ thu về hơn 77,7 tỷ đồng.