Các siêu thị Việt Nam tiêu thụ 38 triệu túi nylon dùng một lần/năm
Thông tin tại hội thảo tổng kết Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam,” diễn ra ngày 20/4, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết ô nhiễm rác thải nhựa được coi là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất.
Theo Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, trung bình, số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị Việt Nam, hiện chiếm khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm (trong đó 46/48 siêu thị đang cung cấp túi nylon miễn phí; trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nylon mỗi ngày).
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mỗi năm, người Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Đáng chú ý, chỉ có 17% trong số đó được tái sử dụng. Túi nylon chiếm 1/3 số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam và Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á.
Thực tế, các sản phẩm từ nhựa, túi nylon ra đời đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, do đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, túi nylon sử dụng một lần đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Tác động trực tiếp tới sức khỏe và môi trường
Như chúng ta đã biết, rác thải nhựa như túi nylon, cốc nhựa, ống hút chỉ sau ít phút sử dụng sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường.
Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Rác thải nhựa, trong đó có túi nylon, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật…
Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người.
Đi tìm giải pháp
Để giải quyết vấn nạn này, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa. Nước ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
"Từ năm 2026 sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi nilông dùng một lần cho khách hàng", ông Nguyễn Trung Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu cũng được coi là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay.
Theo đó, tại hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, diễn ra ngày 4/3/2022, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết EPR được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và sẽ đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh EPR là cách tiếp cận mới của chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Như vậy, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm đối với các tác động môi trường vòng đời sản phẩm, nhất là rác thải của sản phẩm.
Bên cạnh đó, EPR cũng là một công cụ kinh tế và được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tác động thay đổi thói quen sản xuất ít quan tâm tới môi trường sang sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải; đồng thời tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.
Ngoài ra, EPR còn giúp tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải hiện nay, góp phần hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại. Nếu thực hiện đúng, đáp ứng theo các yêu cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất.
Với tầm quan trọng trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng EPR sẽ là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay, từ đó đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online, VTC, Báo điện tử Chính Phủ)