Liên quan đến vụ việc, ông Lê Bá Cường, Giám đốc ban Quản lý dự án Xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bạc Liêu được cho là đã thôi chức nhưng vẫn ký một số quyết định nâng lương, tuyển nhân viên mà báo Người Đưa Tin đã phản ánh trong bài: Giám đốc bị thôi chức vẫn ký tuyển người: UBND tỉnh Bạc Liêu nói gì?, báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐB), chuyên gia pháp lý để hiểu rõ hơn câu chuyện.
ĐB Bùi Văn Xuyền tỏ ra ngạc nhiên, không tin có thể tồn tại một câu chuyện “ngớ ngẩn” như vậy. Bởi theo ông, nguyên tắc chung trong điều động, bổ nhiệm cán bộ là khi một vị trí phải bị trống thì mới có động tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển. Có nghĩa là, phải làm đầy đủ các thủ tục để cho thôi chức đối với người cũ, sau đó mới tính việc luân chuyển, bổ nhiệm người mới.
“Làm gì có chuyện, một người đang ngồi ở vị trí này, chưa nhận bất cứ quyết định nào mà tổ chức lại luân chuyển người mới về để ngồi chồng vào vị trí ấy. Tôi cho rằng, công tác tổ chức của tỉnh thì không bao giờ đến mức ngớ ngẩn như vậy”, ĐB Xuyền thẳng thắn nói.
Cũng theo phân tích của vị đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình, phải làm rõ việc đã miễn nhiệm ông Lê Bá Cường trước khi luân chuyển ông Nguyễn Văn Vĩnh hay chưa. Nếu chưa thì sẽ có câu chuyện chồng lấn văn bản.
“Để xảy ra chồng lấn văn bản là do công tác cán bộ làm không chuẩn, thiếu dứt khoát. Khi chưa làm các thủ tục với người cũ đã luân chuyển người mới rất hi hữu và tôi nghĩ không thể có chuyện ngớ ngẩn như vậy được. Một chỗ ngồi mà có đến hai người thì rất vô lý”, ĐB Xuyền tái khẳng định quan điểm.
Ông cũng nghi ngại có sự nhầm lẫn, sai sót ở khâu nào đó nên quyết định thôi chức đã chưa đến được tay ông Lê Bá Cường. “Trách nhiệm là do cơ quan tham mưu về mặt tổ chức đưa lãnh đạo ký - ở đây là sở Nội vụ. Cần phải có những quyết định để xử lý lại quy trình”, ĐB Xuyền đưa quan điểm.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm, cho rằng: Nếu chiếu theo luật, đương nhiên khi một người đã không còn giữ chức vụ, mọi quyết định do người đó ký sẽ không có tác dụng. Cơ quan chức năng cần điều tra và làm rõ mục đích ký những quyết định ở thời điểm đã không còn giữ chức vụ đó là gì.
Nếu như có chuyện nhận tiền để ra quyết định thì có thể khép vào tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Kể cả việc ông Cường là giám đốc và được quyền ký những quyết định nâng lương, hợp đồng lao động dài hạn cũng cần có hội đồng và trình tự thủ tục nhất định, không thể một mình quyết định được.
“Tôi thấy hơi lạ khi một người đã bị thôi chức giám đốc vẫn ký những quyết định không thuộc thẩm quyền. Tôi tin không ai làm việc ngớ ngẩn như vậy nên cần thận trọng kiểm tra vụ việc này.
Có thể có vấn đề trong tống đạt, ra quyết định và thi hành quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Ký quyết định khi không biết mình bị thôi chức khác hoàn toàn việc biết mà cố tình ký. Ở trường hợp cố tình, cần xác định rõ động cơ, mục đích, thiệt hại có khắc phục được hay không để xử nghiêm theo quy định pháp luật”, vị luật sư đưa quan điểm.
Một vị nguyên thứ trưởng bộ Nội vụ (đề nghị không nêu tên) đồng quan điểm cho rằng, ký những quyết định khi không còn giữ chức vụ rõ ràng là sai. Một người đã làm đến chức giám đốc phải hiểu luật hơn người khác. Pháp luật đã có quy định, ai sai phải xử lý nghiêm, người biết mà cố tình sai thì phải xử lý nặng hơn.
“Tôi cho rằng, nên áp dụng biện pháp, trong 3 tháng trước khi về nghỉ hưu không nên để lãnh đạo ký bất cứ quyết định nào. Như thế sẽ tránh được những “chuyến tàu vét” cuối cùng, ồ ạt bổ nhiệm, luân chuyển cả người thân ruột thịt trái với quy định”, vị này nói.
Dương Thu (thực hiện)