Chưa tới chục năm gần đây, cứ Tết là người ta lại làm hình tượng các con vật tượng trưng của năm ấy trưng bày ở các điểm công cộng để toàn dân thưởng lãm và là địa điểm check in thú vị của khách du xuân, thậm chí chưa tới Tết, đang chạy chợ búa dọn nhà tối tăm mặt mũi nhưng nhiều bà nhiều cô vẫn bố trí một lúc chạy tới chụp một mớ ảnh để... nuôi phây dần.
Phong tục Việt Nam thì một giáp mười hai năm có mười hai con biểu trưng, gọi luôn là con giáp, bắt đầu từ Tí kết thúc bằng Hợi. Không phải nước Châu Á nào cũng có các con giáp giống nhau. Ví dụ Trung Quốc, năm mà Việt Nam tôn vinh chú mèo thì họ lại là thỏ. Nhật Bản thì thay trâu bằng bò, thay dê bằng cừu, còn con lợn (heo) của Việt Nam là con nhà nuôi thì của Nhật là của rừng, lợn/ heo rừng. Tất nhiên vì thế hình dáng cũng khác nhau, heo nhà dễ thương hơn heo rừng rất nhiều.
Tôi nhớ ngày xưa, nhắc con giáp thì nhắc thế, để biết, chứ còn làm thành các biểu tượng to tướng tượng trưng cho năm thì chưa. Linh vật thời các cụ là những con vừa thiêng vừa quý hiếm, biểu trưng cho vương quyền như Lân Ly Quy Phượng, rồi hổ (cọp), chim lạc, hạc, vân vân. Là vật thiêng nên linh vật thường được đặt ở những nơi thiêng như đền, chùa, miếu, cổng làng, bàn thờ… Có hồi dân ta ồ ạt mang cả sư tử đá về đặt khắp nơi, từ cửa/ cổng khách sạn tới đền chùa, khu du lịch, cả công sở, trụ sở những cơ quan lớn... bộ chủ quản phải có công văn nhắc nhở, rồi dần dần chúng được thay thế.
Cái tên linh vật được xướng lên nhiều là ở các kỳ đại hội thể thao, quốc tế, châu lục hoặc khu vực. Những con gấu bông linh vật rất dễ thương được chế tác, được thi, được chọn. Tôi nhớ năm nào đấy, Olympic Matxcơva có những con gấu Misa rất dễ thương được tung ra, ai cũng mê. Mới nhất ở SEA Games 31 tại Việt Nam, con sao la đã được chọn làm linh vật và họa sĩ đã thiết kế hình ảnh chú sao la rất dễ thương, thú vị, ai cũng thích, nó trở thành biểu trưng của Việt Nam thời ấy một cách bất ngờ bởi sao la khi ấy mới được phát hiện, nó chưa thân thuộc với người Việt Nam chứ đừng nói quốc tế. Trước đó, SEA Games 22, con trâu được chọn làm linh vật như một tất nhiên, bởi ai cũng nghĩ nó gắn với Việt Nam.
Trở lại bây giờ, hầu như năm nào tới con giáp gì thì người ta coi đấy là linh vật của năm. Các địa phương cố làm một con giáp khổng lồ đặt ở một nơi trang trọng, đông người, thường là công viên, quảng trường... để dân tới xem và như đã nói, chụp ảnh, check in.
Nhưng vì rất nhiều nơi làm, từ tỉnh, tới huyện, tới xã rồi có khi cả thôn, làng... nên các linh vật mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi dạng. Năm nào trước Tết mươi lăm ngày, cư dân mạng và cả báo chí lại xôn xao bàn tán linh vật chỗ này là con này nhưng lại như con kia, chỗ kia định làm con ấy nhưng phải treo biển ghi rõ đây là con ấy mọi người mới biết là con ấy. Cũng có nơi cầu thị, sau khi dân xôn xao góp ý hoặc chê thì sửa lại hoặc thậm chí bỏ luôn.
Trong các con giáp, có vẻ con mèo là dễ làm nhất, kiểu gì nó cũng dễ thương được. Con khó nhất là con... chuột. Thì đúng rồi, nó là con bẩn thỉu, ai cũng từ ghét tới ghê sợ, mà nguyên tắc của linh vật là phải... dễ thương. Muốn làm được nó dễ thương thì phải yêu nó. Có ai mà yêu được chuột hả trời. À có, chuột máy tính, rồi chuột cảnh, như con Hamster một thời á. Nhớ hồi ấy, thanh thiếu niên ào ào nuôi Hamster, chăm chúng hơn chăm con. Nhưng rồi, gì thì gì, chuột vẫn là chuột, nên phong trào Hamster xẹp. Nhưng cái năm chuột nào đấy, những con chuột giống Hamster dễ thương vẫn tràn ngập.
Nhưng cũng có những nghệ nhân quá trọng yếu tố... tả thực, nên có những con chuột rất ghê. Nó xấu đến ghê sợ, lại gầy gò như thiếu ăn, lông lá lồm xồm như chuột ghẻ, xơ xác như chuột vừa chạy lụt về.
Năm nay ông rồng đang hiện diện khắp nơi.
Trong mười hai con giáp, rồng là con duy nhất không có thực trong đời.
Nó, biểu tượng của uy quyền. Bệ rồng là nơi vua ngự, long sàng là giường vua ngơi, mình rồng là thân thể vua, là long thể, long bào là áo của vua vân vân...
Trong Cửu đỉnh đang đặt ở kinh thành Huế, hình ảnh con rồng được khắc trên Cao đỉnh. Rồng và tiên là một cặp đôi chỉ cội nguồn tổ tiên của người Việt, con rồng cháu tiên. Rồng, theo truyền thuyết, được hình thành từ cá sấu và rắn, sinh ra dưới nước rồi bay thẳng lên trời. Đất nước ta có cả Thăng Long và Hạ Long. Lại nhớ có lần tôi hỏi nhà thơ Trần Nhuận Minh, một người rất sành về Hạ Long vì ông sống gần như cả đời ở Quảng Ninh và có nhiều nghiên cứu về vùng đất này, rằng bái trong Bái Tử Long là gì, ông giải thích, bái có nghĩa là lạy, vái, có thể do người xưa căn cứ theo hình dáng, và cũng là cách con người thể hiện thái độ kính trọng cái tuyệt tác của tự nhiên ấy.
Và miền Tây, vùng Nam bộ ấy, chúng ta có chín rồng, chín dòng sông như chín con rồng nên người ta hay gọi là vùng đất Chín rồng.
Thế nên, tóm lại là, nó như thế nào là do từng người tưởng tượng.
Nên quan sát các linh vật rồng năm nay trên báo chí và mạng xã hội (ngoài mạng xã hội thì mươi năm nay, cứ sắp tết là báo chí lại thông tin tỉ mỉ linh vật của từng địa phương, cũng như thông tin việc nuôi cá thả cá ngày 23 tháng chạp, tục làm, bán và đốt vàng mã vân vân) thì thấy quả là muôn hình vạn trạng rồng.
Riêng cái miệng rồng, con thì hiền dễ thương như em bé, con thì dữ tợn như... thần chết. Độ dài, con thì như cái... nắm tay, con lại dài như bụi xương rồng trên cát mùa thiếu nước. Độ giống là buồn cười nhất, bởi rồng là loại không có thật nên nó, linh vật ấy, được nghệ nhân làm giống cái gì người ta kêu như cái ấy, ví dụ có con rồng linh vật mà như... cá ngựa, có con như con lươn, lại có con như rắn... Mình rồng sáng tạo nhất là ở Bình Dương, xứ sở của gốm, người ta lấy gốm, dân gian gọi nôm na là lu, làm mình rồng, nhưng cũng có người bảo trông nó như con rết. Cách đặt rồng thì cũng nhiều cách. Có nơi thì rồng giao nhau vờn qua đường, nơi thì rồng vươn dọc đường, nơi thì cuộn một cục. Đà Nẵng còn cho cả rồng phun lửa nữa.
Có con rồng có chân, có con thì vây ngược, con cuộn tròn, con thẳng thớm, con như cây tre, lại có con như cụm mây, cuộn trong mây. Con thì màu vàng con màu xanh con màu trắng và đa phần là... tổng hợp màu, tùy hứng nghệ nhân.
Tên cũng tùy nơi, dựa núi thì “tựa sơn”, nhìn xuống biển thì “vọng hải”, hai con vờn nhau thì là “giao long”, “Tọa sơn hướng hải”, “Cá chép hóa rồng”, “Song long chầu nguyệt” vân vân...
Như vài năm trước, năm nay con rồng Quảng Trị vẫn được chọn là con linh vật đẹp nhất. Nghệ nhân Đinh Văn Tâm mới 33 tuổi, mấy năm liền đều được khen bởi những linh vật do mình sáng tạo ra như hổ, mèo. Điều đặc biệt là, anh này làm rất rẻ. Năm nay thị trấn Lao Bảo của huyện biên giới Hướng Hóa đặt anh làm rồng với giá thành khoảng hơn trăm triệu. Vấn đề là, dự tính, với linh vật rồng được đặt ở thị trấn biên giới này, năm nay dự tính sẽ có rất đông người tới chiêm ngưỡng. Cũng như thế, Đà Nẵng cũng đặt nghệ nhân Đinh Văn Tâm một con rồng với giá thành khoảng 150 triệu đồng cũng đang gây sốt bởi vẻ đẹp và hùng vĩ của nó. Té ra, linh vật còn giúp cho các địa phương làm du lịch nữa.
Điều băn khoăn nhất là, cũng là thử thách cho cả các họa sĩ và nghệ nhân là, sang năm là năm con rắn. Sẽ rất khó để làm linh vật cho con này, dẫu ngành y toàn thế giới đã chọn con rắn quấn cây gậy làm biểu tượng của ngành mình.
Thì hãy chờ, đến chuột còn làm đẹp được nữa mà?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả