Những hoạt động trên của đại gia chỉ một mục đích là tiến tới "bữa ăn sạch", không hoạt chất, không ngộ độc thực phẩm cho gia đình ở trên phố.
Một góc khu vườn trồng rau xanh của đại gia T.
Đại gia thuê người trồng rau, nuôi lợn
Những mẹo vặt dạng "sổ tay" dắt túi cho bà nội chợ cũng được chia sẻ trên các diễn đàn của chị em như chú ý cảm giác "nhẹ bỗng" của một số rau xanh do được phun quá nhiều chất kích thích tăng trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật. Không ít các bà, các chị mỗi khi mua hàng còn đưa các loại rau củ quả, cá đông lạnh lên ngửi xem liệu có mùi hóa chất hay không? Bấn loạn trước thực tế các sản phẩm không an toàn trong bữa ăn, nhiều gia đình khá giả ở các thành phố chủ động quay lại thời tự cung tự cấp thực phẩm cho bữa ăn gia đình.
Thay vì lo lắng, chờ sự bảo vệ của các cơ quan chức năng, chị Hoàng Lan Hương, vợ một chủ doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu các thiết bị phục vụ ngành may mặc tại Hà Nội đã bàn với chồng về quê thuê người trồng rau, nuôi gia cầm. Người làm thuê cũng không phải ai xa lạ, chủ yếu là anh em trong họ hàng. Mỗi tuần rau xanh và gà được đều đặn gửi từ Thái Bình lên Hà Nội cho vợ chồng chị. Dù theo chị Hương cho biết, tính ra chi phí để có được "bữa ăn an toàn" phải đắt gấp 4, 5 lần với đi chợ thông thường.
Với ông Nguyễn Đức T. (TP. Việt Trì, Phú Thọ) chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho nhiều tỉnh miền núi phía Bắc thì việc thuê người trồng rau, đào ao thả cá, nuôi lợn, nuôi vịt, gà... ở quê là việc làm ông đã thực hiện được vài năm rồi.
Ông T. cho biết: "Cách đây 4 năm, gia đình tôi đã cho sửa sang lại căn nhà của các cụ để lại ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Có lẽ thời điểm đó nhiều người thấy lạ không hiểu vì sao vợ chồng tôi có 2 căn nhà ở Việt Trì, một căn nhà ở Hà Nội lại đi sửa sang, thuê người chăm nom căn nhà ở quê dù không có người ở. Những mảnh ruộng của bố mẹ cho mượn cũng được lấy lại và tôi thuê người cày cấy để lấy gạo sạch. Đó là một sự đầu tư lâu dài cho sức khỏe cả nhà".
Theo tính toán của đại gia T. thì nguyên việc thuê máy xúc vào khu nhà cách đường quốc lộ cả chục km để múc ao giữa vùng đồi núi tiêu tốn hơn 50 triệu đồng. Kèm theo đó, gia đình ông phải thuê hẳn một gia đình họ hàng chăm lo việc nuôi cá, trồng măng, trồng chè với tiền thuê làm công mỗi tháng 2,2 triệu đồng/người.
Mâm cơm "đạm bạc" của... đại gia
Mỗi tuần, vợ chồng ông T. đều có gắng dành thời gian về nhà quê câu cá, đào măng, hái rau mang ra thành phố ăn. Nếu không về được thì người giúp việc sẽ đem "thực phẩm sạch" ở quê ra. Không chỉ phục vụ bữa ăn của hai ông bà mà thực phẩm sạch còn được gửi đều đặn mỗi tuần xuống Hà Nội cho các con ông T. đang theo học ở đây.
Theo tính toán của đại gia T. thì để có một "bữa ăn sạch" tổng chi tốn khoảng 300.000 - 500.000 đồng. "Thực phẩm sạch" tươi cho 10 người ăn thì bữa ăn lên tới vài triệu đồng. Đó là tiền công tháng cho người chuyên trông coi, chăm sóc vườn rau, ao cá và tiền mua giống, thức ăn cho gia súc, vật nuôi... Với khái niệm rau sạch theo đúng chuẩn của khoa học, các loại rau ăn lá ông T. mua phân bón sạch, lắp hệ thống vòi nước sạch dẫn ra tận vườn rau.
Ông T. tâm sự: "Bỏ ra không ít tiền, bù lại tôi và cả nhà "mua" được sự an tâm tuyệt đối với thực phẩm mỗi ngày". Ông T. vẫn thường đùa với các con nếu ăn cơm xong mà đau bụng là do "trúng gió" chứ không phải do ngộ độc thức ăn!.
Ông Vương Ngọc Tuấn, phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại (VPTVKN), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (VINASTAS) cho rằng: "Thời gian vừa qua nhiều loại thực phẩm không an toàn như thị lợn siêu nạc, xí muội có xuất xứ Trung Quốc có thể gây ung thư, các loại rau quả sử dụng thuốc bảo quản... xuất hiện và tồn tại trên thị trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là điều đáng lo ngại. Nó cho thấy, mặc dù chúng ta đã có hệ thống cảnh báo, kiểm soát độ an toàn của thực phẩm với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... nhưng hoạt động vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Mặt khác, VPTVKN cũng chưa bao giờ nhận được khiếu nại liên quan đến các sản phẩm thịt, rau quả tươi, khô không an toàn này. Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn có tâm lý và thói quen "chịu đựng" với các sản phẩm không an toàn".
Dù khá nhiều người hưởng ứng với trào lưu tự sản, tự tiêu trong cung cấp thực phẩm tuy nhiên để "mua" được sự an toàn chắc chắn không dành cho số đông. Và hơn ai hết, người dân lại trông chờ vào lương tâm của người bán hàng, người trồng rau với việc ghi rõ xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Theo nhiều đại gia ở Hà Nội, giờ những người quý mến nhau, biếu quà sếp không phải bằng rượu ngoại hay hải sản mới là quý. Giờ biếu nhau rau sạch, cá tự nuôi, lợn lửng, quả trong vườn nhà tự trồng mới là tốt và đang là mốt hiện nay. |
Hoàng Mai