Một trận bóng đá có mấy hiệp và diễn ra bao lâu?
Theo quy định, một trận đấu bóng đá 11 người sẽ có hai hiệp thi đấu chính thức, mỗi hiệp kéo dài 45 phút, chưa kể thời gian bù giờ và nghỉ giải lao.
Như vậy, tổng thời gian thi đấu chính thức sẽ là 90 phút. Thời gian nghỉ giữa hai hiệp không được kéo dài quá 15 phút, trừ những trường hợp bất khả kháng như: tuyết, mưa bão,…khiến trận đấu không thể bắt đầu trở lại như dự kiến.
Ngoài ra,trong một số giải đấu chuyên nghiệp không thể có kết quả hòa, nếu kết thúc 90 phút thi đấu chính thức và thời gian bù giờ nhưng vẫn chưa xác định được đội thắng cuộc thì hai đội sẽ phải bước vào 2 hiệp đấu phụ. Những giải đấu không chuyên có thể sẽ lược bỏ hiệp phụ và bước vào loạt sút luân lưu để phân thắng bại ngay sau khi kết thúc hai hiệp chính.
Quy định về thời gian bù giờ của trận đấu
Sau mỗi hiệp đá chính sẽ có thêm thời gian bù giờ. Thời gian đá bù giờ được xác định bằng tổng thời gian xảy ra những tình huống khiến trận đấu phải tạm hoãn trong lúc thi đấu chính thức.
Chẳng hạn:
- Thay cầu thủ dự bị.
- Tình huống bóng chết trong lúc thi đấu.
- Cầu thủ mắc lỗi khiến trận đấu tạm dừng lại.
- Chăm sóc và đưa cầu thủ chấn thương ra khỏi sân.
- Một số sự cố khác khiến trận đấu phải tạm hoãn.
Thời gian đá bù giờ sẽ được tổng hợp lại ở cuối mỗi hiệp đấu. Trọng tài chính là người quyết định thời gian bù giờ diễn ra bao lâu và thông thường sẽ không kéo dài hơn 6 phút.
Quy định về thời gian thi đấu hiệp phụ
Ở những giải đấu lớn có thể thức loại trực tiếp, nếu sau khi kết thúc thời gian thi đấu chính thức nhưng vẫn chưa xác định được thắng bại thì sẽ tiếp tục bước vào hai hiệp đá phụ. Thời gian cho
mỗi hiệp phụ là 15 phút, không có nghỉ giữa giờ và bù giờ.
Tương tự như hai hiệp đá chính, sau khi kết thúc hiệp phụ thứ nhất, hai đội sẽ thay đổi vị trí khung thành cho nhau. Như vậy, một trận bóng đá có thể kéo dài đến 120 phút nếu xảy ra tình huống đá hiệp phụ. Trường hợp sau khi kết thúc 30 phút đá hiệp phụ những vẫn chưa có được kết quả thắng bại, hai đội sẽ bước vào loạt sút luân lưu ở chấm 11 mét.
Các bàn thắng ghi được trong hai hiệp phụ sẽ được tính vào kết quả chung cuộc, tuy nhiên các bàn thắng ghi trong những loạt đá luân lưu 11 m sẽ không được tính (mà chỉ dùng để xác định kết quả thắng thua).
Trong thập niên 1990 và 2000, IFAB đã cho thử nghiệm luật Bàn thắng vàng, theo đó nếu trong hiệp phụ có một đội ghi được bàn thắng trước, trận đấu sẽ lập tức kết thúc với kết quả thắng cho đội vừa ghi bàn.
Luật bàn thắng vàng đã được sử dụng ở cấp độ thế giới trong World Cup 1998 và World Cup 2002 với Pháp là đội tuyển đầu tiên tận dụng được lợi thế này khi giành chiến thắng trước Paraguay bằng bàn thắng vàng của Laurent Blanc (năm 1998), Pháp cũng là đội vô địch ở giải đấu năm 1998.
Tại Giải vô địch bóng đá châu Âu 1996, đội tuyển bóng đá quốc gia Đức đã giành chức vô địch sau chiến thắng trước đội tuyển bóng đá quốc gia Cộng hòa Séc bằng bàn thắng vàng của Oliver Bierhoff.
Tại Giải vô địch bóng đá châu Âu 2004, luật bàn thắng vàng được thay thế bằng luật Bàn thắng bạc theo đó nếu kết thúc hiệp phụ đầu tiên mà có một đội dẫn trước về tỉ số, trận đấu sẽ kết thúc với chiến thắng dành cho đội có lợi thế về tỉ số. Tuy nhiên hiện nay IFAB đã bỏ việc thử nghiệm cả hai luật này.
Trong các trận đấu loại trực tiếp theo thể thức lượt đi-lượt về, thông thường người ta sẽ tính tới luật bàn thắng sân khách. Theo đó nếu sau hai trận mà hai đội có kết quả chung cuộc hòa nhau, đội nào ghi được nhiều bàn thắng hơn trên sân khách sẽ là đội giành chiến thắng. Tuy nhiên không phải giải đấu lớn nào cũng sử dụng lợi thế này, ví dụ như tại Copa Libertadores ở Nam Mỹ.
Đăng Nguyên