Huyết thư soán ngôi
Trong nhiều tư liệu sống và cả tư liệu ông H "đầu bò" thu thập để viết cuốn sách "Đại Cathay và tôi" có nhắc nhiều đến vấn đề "du đãng có học" và "du đãng không có học" của giang hồ Sài Gòn xưa. Theo luận điểm của ông H "đầu bò”, những tên du đãng, tên cướp nào có học thức thường được giới giang hồ xem trọng hơn những tên thất học.
Trong cách nhìn đó, Huỳnh Tỳ được đánh giá cao hơn nhờ học hành đàng hoàng, tới lớp đệ tam, so với Đại Cathay không viết nổi tên mình. Nhưng trong trường hợp soán ngôi của Đại Cathay khá ấn tượng, chính cách cư xử đầy bản lĩnh của Đại Cathay, so với cách đánh lén hèn hạ của Huỳnh Tỳ trước đó, đã làm cho Đại Cathay nổi lên như cồn sau vụ đụng độ này.
Đại Cathay cùng vợ trên đường phố.
Đại nổi lên bao nhiêu thì Huỳnh Tỳ càng thất thế bấy nhiêu, cùng lúc là cái sự thất học của Đại cũng thắng thế so với chuyện học hành đàng hoàng của Huỳnh Tỳ. Không biết bằng cách nào, mà cả 3 tên chủ tướng của băng Aristo là Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế đều lần lượt nhận đúng 1 nhát dao như đã nói, Đại cố ý chém để thẹo suốt đời chứ không cho chết. Đồng thời, sau cuộc huyết chiến Đại Cathay ra tối hậu thư bằng máu buộc băng Aristo của Huỳnh Tỳ phải tự giải tán, nếu như Huỳnh Tỳ còn muốn sống.
Nhắm thế không thể đối đầu Đại Cathay, mà cũng thấy nhục trong giới giang hồ sau vụ đụng độ đầy tai tiếng này, Huỳnh Tỳ đành thay mặt cả băng bắn tiếng cầu hòa, xin gia nhập vào băng của Đại Cathay. Không dễ dàng bỏ qua, Đại Cathay trả lời rằng cách hành xử của Huỳnh Tỳ và băng Aristo không xứng đáng tồn tại trong giới giang hồ, buộc phải giải tán.
Hoảng quá, Huỳnh Tỳ phải cậy nhờ bầu Long (chủ đoàn hát Kim Chung) đứng ra nhờ Tám Lâu, một đàn anh cũ của Đại Cathay nhờ giúp đỡ. Nể tình người đàn anh đã từng giúp Đại buổi ban đầu, Đại mới nguôi ngoai, chấp nhận cho Huỳnh Tỳ và cả băng Aristo đến dập đầu xin lỗi. Lần này tiệc nhậu giảng hòa không phải ở rạp Aristo như trước, mà tổ chức ở một nhà hàng bên quận 4, cứ địa của Đại. Huỳnh Tỳ đã quỳ trước mặt Đại nói những lời xin lỗi đáng thương nhất, để rồi sau đó băng Aristo vĩnh viễn bị xóa sổ, quân tướng của Aristo về qui phục dưới quyền sai phái của một đại ca duy nhất là Đại Cathay.
Theo như ông H "đầu bò", là người trong cuộc, sống chết với sự nghiệp của Đại Cathay thì, trong cuộc hợp nhất giang hồ vào cuối năm 1964 đã xóa sổ cái tên Aristo, đẻ ra danh xưng "Tứ đại thiên vương" là: Đại-Tỳ-Cái-Thế, cùng với việc danh tiếng của Đại Cathay càng lừng danh gấp bội khắp thành phố Sài Gòn. Huỳnh Tỳ tự an ủi mình với danh xưng nhị ca trong tứ đại thiên vương, tận tụy phò tá Đại Cathay và được Đại Cathay giao trông coi các sòng bài, tiệm hút trên địa bàn khu Lê Lai và khu Cầu Muối. Đó cũng là thời hoàng kim của băng Đại Cathay, bởi chỉ chưa tới 2 năm sau, vào tháng 6 năm 1966 khi Đại Cathay bị bắt, băng Cathay tan rã thì Huỳnh Tỳ cũng không thể trở lại ngôi vị thủ lĩnh ngày nào, tuy vậy cũng tiếp tục có số má trong giới giang hồ Sài Gòn cho tới ngày miền Nam giải phóng.
Giao hảo với trùm Năm Cam như thế nào?
Vào đầu thập niên 1960, khi Huỳnh Tỳ đã nổi danh trong "Tứ đại thiên vương", thì Năm Cam (kém Huỳnh Tỳ 3 tuổi) mới là tay giang hồ đàn em, chuyên bảo vệ cho các vũ trường. Chính Huỳnh Tỳ đã giúp Năm Cam thoát nạn trong một vụ thanh toán bằng súng ngay trong vũ trường. Sau ngày giải phóng, cả Huỳnh Tỳ và Năm Cam và nhiều tên xã hội đen vằn vện khác vẫn không từ bỏ còn đường du đãng, tiếp tục quậy phá cuộc sống yên lành của người dân, vì vậy mà chúng lại vào tù ra khám. Năm Cam dần dần củng cố thế lực, đến đầu thập niên 1990 trở thành ông trùm của xã hội đen ở TP.HCM.
Huỳnh Tỳ vốn nghiện nặng, thường xuyên đói thuốc, hoàn cảnh gia đình khó khăn khi vợ mất để lại cho Tỳ hai đứa con nhỏ dại. Không băng nhóm, không nghề nghiệp, Huỳnh Tỳ phải xoay sang mánh mung cò con như lắc bầu cua, chích đạo ma túy... để nuôi con và nuôi thân. Chỉ trong vòng 20 năm (1975-1995), Huỳnh Tỳ phải ra vào trại cải tạo khoảng chục bận với những vi phạm nhỏ. Đầu năm 1992, Huỳnh Tỳ liên kết với một số chiến hữu cũ tổ chức một sòng bạc tại một con hẻm trên đường Lê Lai, nơi cách đó 30 năm Huỳnh Tỳ là chủ tướng của băng Aristo lừng danh.
Biết chuyện, Năm Cam ra lệnh Huỳnh Tỳ dẹp ngay, vì chỉ có Năm Cam mới có cái quyền mở sòng bạc ở Sài Gòn. Huỳnh Tỳ không nghe, vẫn tiếp duy trì sòng bạc. Ngay lập tức, sòng bạc này liên tục bị khám xét, không con bạc nào dám đến chơi. Biết là Năm Cam ra tay, Huỳnh Tỳ phải mang lễ vật đến mời Năm Cam hùn vốn danh nghĩa, sòng bạc tiếp tục hoạt động. Ngoài phần ăn chia theo tỉ lệ hùn hạp, mỗi tuần Huỳnh Tỳ phải mang đến nộp cho Năm Cam 5 triệu đồng tiền xâu. Mối quan hệ hùn hạp này kéo dài đến cuối 1992 thì chấm dứt, khi mà tên tuổi của Năm Cam bị đưa lên một tờ báo ở Sài Gòn, các hoạt động bảo kê của Năm Cam cũng tạm chấm dứt. Cho rằng Năm Cam sắp hết thời, Huỳnh Tỳ không chịu cống nộp tiếp. Đầu năm 1993, sòng bạc trong hẻm trên đường Lê Lai bị bắt quả tang, nhiều nhân viên của sòng phải tra tay vào còng.
Huỳnh Tỳ may mắn thoát được, nhưng hắn hiểu ngay đó là đòn trừng phạt của Năm Cam. Bị truy nã, Huỳnh Tỳ không còn con đường nào khác, lại phải đến tạ tội với Năm Cam xin nghĩ tới ân tình cũ mà cứu giúp. Năm Cam lại giang tay đón nhận Huỳnh Tỳ, giao quản lý các sòng bạc khác ở quận 4, quận 8 và Biên Hòa. Tháng 9/1995, Năm Cam lại bị báo chí phanh phui, gay gắt hơn lần trước. Lần này Huỳnh Tỳ lại trở mặt không nộp xâu nữa vì cho rằng thời của Năm Cam đã hết, không việc gì phải sợ sệt, cung phụng cho hắn. Quả thật, không lâu sau đó, Năm Cam bị bắt đi cải tạo.
Khi đi cải tạo về, Năm Cam rất giận đàn anh Huỳnh Tỳ dù là người có học mà sống không có trước có sau. Năm Cam đã cấm Huỳnh Tỳ bén mảng tới nhà và các sòng bạc của mình, xem như không còn ân nghĩa anh em gì nữa. Bị thất sủng, thế nhưng đó lại là điều may mắn cho Huỳnh Tỳ. Bởi nếu được Năm Cam tha thứ, thu nạp lại một lần nữa, chắc hẳn sau đó Huỳnh Tỳ không thoát khỏi là bị cáo trong chuyên án Năm Cam và đồng bọn. Đó là điều Huỳnh Tỳ hài lòng nhất trong những năm cuối đời. Cả một cuộc đời làm nhị ca, nhưng lúc cuối đời đã thoát khỏi danh xưng ảo đó để không phải cùng Năm Cam ra tòa trong một vụ án lớn nhất về xã hội đen từ sau ngày miền Nam giải phóng.
Theo ông H "đầu bò", ông và những người còn lại dưới trướng của Đại Cathay đã từng tái tê khi anh Đại mất quá sớm. Khi Đại mất, thì trong quá trình ngoi lên trở thành ông trùm của giới tội phạm Sài Gòn, Năm Cam đã lần lượt thực hiện các bước núp bóng, lợi dụng rồi hạ bệ hàng loạt đàn anh lớn nhỏ khác. Giang hồ sợ nhất Năm Cam ở điểm y không từ bất cứ ai và sẵn sàng xuống tay cực kỳ tàn bạo để tiêu diệt tất cả những kẻ cản đường hắn, cho dù người đó từng là chiến hữu, đàn anh hay có tình đệ tử lâu năm ân nghĩa với y. Ngoài Lâm Chín ngón trở thành tàn phế vì acid, Dung Hà bỏ mạng vì ăn đạn, Năm Cam lấy số còn phải kể thêm Huỳnh Tỳ - kẻ có thời được giang hồ Sài Gòn xem như nhân vật số 2 chỉ đứng sau Đại Cathay trong nhóm "Tứ đại thiên vương". Vì sự nhu nhược, nhát gan và thủ đoạn, Huỳnh Tỳ đã không thể duy trì chế độ của nhóm "Tứ đại thiên vương", để giang hồ chê cười, tất cả đều quy phục dưới bàn tay của trùm Năm Cam. |
Thành Văn
Còn nữa