MC Lê Anh sinh năm 1977, anh được biết tới nhiều trong vai trò người dẫn chương trình truyền hình, tên tuổi anh được gắn liền với những chương trình như Robocon, Con đường Âm nhạc, CLB Thơ, Peter Yarrow và trái tim Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Kinh đô Việt Nam…
Ít ai biết rằng, Lê Anh còn đảm nhận một vai trò rất quan trọng khác, anh là giảng viên Đại học và Phó chủ nhiệm khoa Du lịch học của trường Đại Học Khoa Học Xã hội và Nhân văn. Mới đây, anh đã chia sẻ với Người Đưa Tin về công việc của mình.
Người Đưa Tin (NĐT): Chào MC Lê Anh, người ta nói, làm giáo viên ở thời đại 4.0 ngày nay khó hơn thời trước, có đúng không anh?
MC Lê Anh: Nói một cách công bằng, việc làm giáo viên thời nay có cái dễ và cũng có cái khó, vì vai trò và chức phận người giáo viên đã khác trước nhiều. Ví dụ một người ở thế hệ trước, nhìn vào yêu cầu của nhà giáo ở thời kỳ mới, với chức năng mới mà họ không thích nghi được thì thấy khó, còn người ở hế hệ hôm nay, nhìn và tiếp cận theo thời đại mới, có cách làm mới thì lại thấy dễ.
Tròn 22 năm tôi đứng trên bục giảng với vai trò là một thầy giáo giảng dạy bậc đại học, tôi cũng có nhiều trải nghiệm để thấy giáo viên bây giờ cần phải đa kỹ năng hơn nhiều. Ngày trước, thầy giáo là "biết tuốt", học sinh hỏi cái gì cũng phải trả lời được.
Bây giờ thầy giáo có "biết tuốt" cũng không đủ, có kiến thức tốt nhưng khả năng truyền đạt kém, kỹ năng sư phạm không giỏi, tương tác không chuyên nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến việc truyền dạy, hướng dẫn học trò.
NĐT: Thời đại công nghệ số phát triển thì buộc người giáo viên phải chuyển động không ngừng và cũng phải để ý đến "lời ăn tiếng nói" của mình nhiều hơn, theo anh có đúng?
MC Lê Anh: Giáo viên của thời đại 4.0 là người có nhiều kỹ năng mà thời trước chưa đề cao hoặc chưa cần đến, như kỹ năng lãnh đạo, là khả năng làm chủ nhóm công chúng từ vài chục đến vài trăm, cả ngàn học sinh, sinh viên. Hoặc kỹ năng về thuyết trình phải được nâng cấp vì thời nay học sinh không ngồi yên để "thầy đọc, trò chép", thay vì những giờ học "buồn ngủ" học sinh sinh viên mong muốn được truyền cảm hứng về học tập, tri thức, phương pháp tiếp cận...
Chưa hết, người giáo viên phải biết sử dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giảng dạy của mình, phải thành thạo các công cụ internet, mạng xã hội, sử dụng được các tài nguyên số cho việc dạy học.
Giáo viên cũng là nghề "nói", không tránh được những lúc thăng hoa, hay quá đà, có lúc sẽ có những phát ngôn thiếu cân nhắc. Có những lúc, ở một không gian nhỏ, người giáo viên sẽ buông những lời thô mộc, thầy trò có thể "cười phớ lớ" với nhau, nhưng rồi thông tin bị rò rỉ, đối với xã hội sẽ là chưa chuẩn mực.
Vấn đề là công chúng tiếp nhận thông tin sau đó lại không phải là những cô cậu học trò nên vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều. Có thể, sinh viên khi tiếp xúc trực tiếp thấy một phát ngôn của giáo viên thú vị, rồi quay clip mà đưa lên mạng không xin phép, giáo viên cứ thế mà nhận những phản ứng tiêu cực.
Do đó, giáo viên thời đại 4.0 phải có kỹ năng truyền thông, quan hệ công chúng, phải để ý đến lời ăn tiếng nói của mình hơn. Theo đó, người giáo viên phải cân nhắc những cơ hội phát ngôn ở các không gian khác nhau không chỉ ở lớp học mà ở các diễn đàn trên mạng nữa.
NĐT: Anh đang giảng dạy ở khoa Du lich học, là một ngành học đặc thù, anh làm thế nào để truyền tình yêu về nghề du lịch với các em sinh viên?
MC Lê Anh: Truyền tình yêu với nghề du lịch cho các em sinh viên mà mình không có điều kiện đi nhiều thì rất khó. Trong 22 năm qua, chúng tôi là những người yêu nghề, nói vui là phải vận cả "nội công" và "ngoại công", tận dụng mọi cơ hội để cho sinh viên thực hành. Truyền tình yêu về nghề không gì tốt hơn bằng thực tế, cùng đi dã ngoại, du lịch, cùng học với nhau.
Qua thực hành, sinh viên hình thành các kỹ năng nghề nghiệp. Ở trường công, giáo viên được đầu tư còn hạn chế, phần lớn phải tự thân vận động, kể cả các hoạt động học tập hay đi tu nghiệp nước ngoài. Tôi tuy là giảng viên dạy du lịch nhưng cơ hội đi lại không nhiều.
Tôi đành lấy cơ hội đi lại của nghề MC, truyền thông, tôi kết hợp các chuyến "tư tác" đó để trau dồi kiến thức cho nghề, kiến thức về điểm đến và củng cố chính tình yêu du lịch của bản thân. Nếu giáo viên mà thiếu hứng thú thì làm sao sinh viên yêu nghề hơn được?
Chẳng hạn tôi nhận một sự kiện ở Cần Thơ, tôi nán lại 1-2 ngày, tự bỏ tiền ra để khảo sát các điểm đến để có kiến thức dạy cho sinh viên. Nước ngoài cũng vậy, hàng chục chuyến đi là do mình phải nỗ lực tự lo liệu, phải nói là rất cố gắng để thu nạp kiến thức.
NĐT: Vậy anh đã mang những trải nghiệm đó lên giảng đường thế nào để các giờ học không bị đánh giá là khô cứng, nhàm chán?
MC Lê Anh: Tôi thường xuyên mời những người thầy giỏi đến nói chuyện cho sinh viên, đồng thời cố gắng đưa các sinh viên đến các điểm du lịch ở Hà Nội, gặp các chuyên gia lữ hành, kết nối sinh viên với các doanh nghiệp, cộng đồng để có thêm cơ hội cho cả hai bên.
Bản thân tôi cũng chuyển động không ngừng và thường xuyên thay đổi ở các giờ học. Ở đại học, các em sinh viên không chỉ học kiến thức, các em học phương pháp tiếp cận tri thức, các em có thể học ở mọi nơi, các giờ học trên lớp nhằm gợi mở, dẫn đường, truyền cảm hứng hơn là nhồi nhét thông tin.
Theo tôi, không có giờ học nào giống nhau hoàn toàn. Mỗi khi lên lớp, chính các giờ học khác nhau cũng cho tôi năng lượng và sự thích thú với nghề giáo. Bởi lên lớp giảng hay hướng dẫn thực hành, thực tế là một cơ hội thăng hoa và sáng tạo.
Thêm nữa, người giáo viên cũng là một người thực hành, tôi cho rằng giáo viên nên biết thực hành và tận dụng mọi cơ hội để làm nghề hay cụ thể hơn là thực hành nghề. Nếu muốn dạy về "bàn, buồng, bar, bếp" màn không biết thực hành (chỉ có lý thuyết) các kỹ năng thuộc nhóm nghề này thì rất khó. Bản thân tôi cũng phải cố gắng để nâng cao tay nghề của mình.
NĐT: Ngành du lịch vừa trải qua một "cú sốc" và mới vực lại từ tháng 3/2022, anh có câu chuyện đặc biệt nào về ngành muốn kể lại cho sinh viên không?
MC Lê Anh: Ngành du lịch như một cái "hàn thử biểu" (- nhiệt kế - PV) để do nền kinh tế của một đất nước.
Trong quá trình đồng hành với sinh viên ở 2 năm Covid-19, tôi thường nói đến sự thích nghi với sinh viên. Tôi cập nhật sự nhìn nhận của bản thân và chuyên gia với sinh viên chứ không để bài học nhàm chán với các kiến thức cũ. Trong đó, có những bài học, chưa phải là chân lý, tôi cũng mạnh dạn để đưa ra cho sinh viên bàn luận.
Hồi Covid-19, sinh viên của tôi đón nhận những thông tin tiêu cực về ngành du lịch như hạn chế đi lại, hàng loạt doanh nghiệp trong nước và quốc tế đóng băng và giải thể, hàng triệu lao động bỏ nghề... thậm chí nhiều hướng dẫn viên du lịch chuyển sang làm nghề bán bảo hiểm, bán thực phẩm chức năng, nhiều nhân sự ở nhà hàng, khách sạn bỏ về quê, bán hàng online...
Lẽ dĩ nhiên, các em sinh viên bị hoang mang. Vì Covid-19 các em phải học online ở nhà, nhiều em bi quan khi thấy việc học trở nên rất nhàm chán và giới hạn...
Ở các bài giảng, tôi cũng nói với các em sinh viên, phải có niềm tin vào tương lai, khi hết dịch, ngành du lịch sẽ phát triển mạnh hơn. Thực tế là sau khi dỡ bỏ giãn cách, phục hồi du lịch thì mọi người đi du lịch rất nhiều.
Tôi đã nói nhiều câu chuyện với các em, cố gắng động viên các em với sự ví von ngành du lịch giống hình ảnh chiếc lò xo, cứ nén nhiều là đến lúc bung ra hết cỡ; là "hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai", rồi ngành sẽ được hồi sinh mạnh mẽ bởi ngành có sự đàn hồi một cách kiên cường, thậm có sức bật mạnh nhất trong tất cả các ngành kinh tế dịch vụ khác.
Nhân sự rời bỏ ngành cũng nhiều, họ chưa quay lại ngành thì đã có những nhận sự mới thay thế, đó là cơ hội cho những người trẻ. Đó là cơ hội cho sinh viên. Từ đó, sinh viên có năng lượng tích cực, đồng hành với ngành du lịch, không bị bỏ cuộc giữa đường.
NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!