Có màu vàng với sọc đen giống như một con cọp viễn tưởng trên đường sắt, tàu điện mới của thành phố Mulhouse chạy trong nhịp 8 phút một, xuyên qua thành phố như một dãy sáng. Tàu điện, người Pháp cũng gọi là tram, đã mang lại cho thành phố lớn của vùng Alsace, đã từng là người dọn đường cho cuộc Cách mạng công nghiệp và ngày nay rõ ràng là đang chống chọi với biến đổi cơ cấu, niềm tự hào và tin tưởng mới.
“Chúng tôi muốn có tàu điện gây sự chú ý”, phó thị trưởng Michel Samuel-Weis nói, “như là hình ảnh của năng động kinh tế, quan tâm đến sinh thái và làm đẹp thành phố: phương tiện giao thông như là một phương án tổng thể về văn hóa”.
Tàu điện ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: DPA
Để tạo mạng lưới nối liền với 5 làng chung quanh, không những đường phố, vỉa hè và đường dành riêng cho xe đạp phải được cải tạo lại, trồng cây và làm xanh những tuyến đường ray bằng bãi cỏ. Mà thành phố còn tổ chức đấu thầu tạo dáng nghệ thuật cho khu vực quanh tuyến tàu điện số 1 và 2: Nghệ thuật cạnh đường sắt thay vì nghệ thuật trên công trình xây dựng. Ông Samuel-Weis, quen biết nhiều do cũng là một nhà sưu tập, đã mời được nhiều nghệ nhân có tầm cỡ quốc tế.
Tàu điện và đường phố trở thành một
Ông Daniel Buren người Pháp tạo những vòng cung theo hình dáng chữ omega (Ω) bắc qua đường ray, đồng thời cũng là trụ đỡ cho đường dây điện phía trên. Vạch sơn dành cho người đi bộ nối tiếp từ những cung tròn này đi ngang qua đường đến mặt tiền nhà bên cạnh, đan kết tuyến đường tàu điện với thành phố.
Đồng nghiệp người Đức Tobias Rehberger có cả kế hoạch kết nối toàn cầu cho tàu điện và thành phố: Qua Internet hành khách có thể biết được thời tiết trong thời gian thực. Tại một bến tàu điện ông muốn đưa ánh sáng xuống gian hầm, như thể Mặt Trời chiếu trực tiếp từ Shannon Rock của Australia xuyên qua Trái Đất.
Nhà soạn nhạc điện tử Pierre Henry sáng tác cho mỗi một thông báo trên tàu điện một điệu nhạc khác nhau. “Người dân đều được tham gia vào tất cả các dự định này”, ông Samuel-Weis nói, “họ cùng quyết định về hình dáng của buồng lái và bỏ phiếu cho màu sắc. Dự án trở thành phổ biến trước khi chiếc tàu điện đầu tiên khởi hành.”
Thành công đã đến. Đi tàu điện được xem là sành điệu – và tiện lợi.
Xuân về trong thành phố Montpellier, Pháp. Ảnh: AFP
Mở rộng mạng lưới cho đến 2015
Sự phục sinh của tàu điện là câu trả lời cho nạn kẹt xe và khủng hoảng giao thông, không những chỉ ở Mulhouse. Thời gian vừa qua, tàu điện đã trở thành biểu trưng cho cải tổ đô thị trong khoảng 20 thành phố Pháp. Sau Nantes và Grenoble, nơi tàu điện đã từng bị thải hồi lại bắt đầu lăn bánh, là đến Bordeaux, Clermont-Ferrand, Marseille và ngay cả khu vực phía nam của Paris cũng quay trở lại với giao thông đường sắt nội thành. Lilly và Lyon đang xem xét mở rộng mạng lưới cũng như Caen, Brest, Nancy và Toulon đang trong giai đoạn lên kế hoạch. Cho đến năm 2015 dự định mạng lưới đường tàu điện của cả nước Pháp sẽ tăng thêm tổng cộng là 576 km.
Vào ngày 1 tháng 5 năm 1960, tại Strasbourg, thành phố láng giềng của Mulhouse, chiếc tàu điện cuối cùng được cho vào nhà kho đầu máy, với một lễ lớn. Từ năm 1878 tàu điện đã là hình ảnh quen thuộc của thành phố – ngày đó còn là xe ngựa trên đường ray, được kéo bằng 1 mã lực thở phì phò. Năm 1930 tàu điện giao thông trên 234 km, xa đến tận vùng lân cận, cho phép gia đình công nhân lần đầu tiên có thể ra ngoại ô xanh vào cuối tuần.
Sau Đệ nhị thế chiến thời đại tàu điện chấm dứt, các đầu tàu kêu lạch cạnh với ghế gỗ và toa tàu không có sưởi được cho là lỗi thời. Tái thiết và điều kỳ diệu về kinh tế làm cho chiếc ô tô trở thành biểu tượng của đẳng cấp. “Phương án giao thông và tương lai đô thị thời đấy có thể tóm gọn lại bằng một từ duy nhất”, ông André von der Mark, 47 tuổi, giám đốc giao thông và dự án đô thị của Strasbourg giải thích: “Ô tô”.
Đường cao tốc làm tàu điện biến mất
Nhiều đường vành đai, đường nhánh, hầm và đường cao tốc được xây xuyên qua thành phố. Thay cho tàu điện giờ đây là xe buýt và tàu điện ngầm. Ở Paris, kè sông Seine lãng mạn đã biến mất dưới con đường nhiều làn xe. Chính tổng thống Georges Pompidou đã cho xây cải tạo và tuyên bố, năm 1971, “sự thích nghi cần thiết với ô tô của thành phố“.
Ở Strasbourg, giao thông tê liệt vào mỗi buổi sáng tại Quảng trường Kléber trong trung tâm cổ kính của thành phố. Có đến 70.000 chiếc ô tô cản đường lẫn nhau. Các nhà quy hoạch đô thị bắt đầu trầm tư. “Đầu tiên có nhiều kế hoạch cao xa cho một tuyến tàu điện ngầm tự động”, chuyên gia von der Mark kể lại. “Thời 1980 điều đó được cho là hiện đại.” Thế nhưng mực nước ngầm quá cao, một tuyến tàu điện ngầm sẽ rất tốn kém.
Năm 1989, bà Catherine Trautmann thuộc Đảng Xã hội ra tranh cử ghế thị trưởng thành phố với câu khẩu hiệu “Tôi sẽ hiện thực tàu điện” – và đã đắc cử. Tuyến tàu đầu tiên được khánh thành 5 năm sau đó. Đây chính là khởi đầu cho câu chuyện chiến thắng của tàu điện mới, lướt qua khu phố cổ êm đềm đến mức mãi đến khi còi cảnh báo của tàu điện vang lên mới xua được khách bộ hành ra khỏi đường ray. Những toa gỗ trống hoác ngày xưa đã trở thành đoàn tàu thanh lịch với buồng lái bằng kính và không gian rực rỡ nhiều màu bên trong, với ghế một chỗ ngồi, băng và cửa kính rộng nhìn toàn cảnh.
Hy vọng cho những khu phố bị bỏ quên
Quay về với giao thông đường sắt là một thay đổi trong chính sách giao thông thành phố. Đối với chính trị gia, kiến trúc sư và những nhà quy hoạch đô thị đây cũng là cách để liên kết những khu phố đóng kín đã xuống cấp và tạo một môi trường mới, cái mà nhà quy hoạch đô thị người Pháp David Mangin gọi là “thành phố của khách bộ hành”. Ông Mangin có kế hoạch cho một quần thể thành phố mà “trong đó con người không còn phải lệ thuộc vào ô tô để đi đến những dịch vụ của cuộc sống hằng ngày”.
Tàu điện mới ở Bordeaux. Ảnh: DPA
Tàu điện là mắt xích kết nối xã hội? Trong vài thành phố tàu điện đã vượt qua được địa vị của một phương tiện giao thông bình thường. Ở Mulhouse và Montpellier nhiều vùng ngoại ô cũng như những khu phố ở bên lề của xã hội đã được kết nối với trung tâm thành phố. Ở Strasbourg, người dân từ những khu phố được cho là có vấn đề bất chợt lại có khả năng đi vào trung tâm – để dạo chơi, làm việc, đi xem phim. Và ở Bordeaux nhịp cầu nối với bờ bên kia của sông Garonne đã thành công, đến khu phố La Bastide bị bỏ quên lâu nay. “Người dân giờ đây không còn có cảm giác bị cô lập nữa” bà Michèle Delaunay nói. “Tàu điện đã mang lại cho Bordeaux một hình ảnh mới.”
Thị trưởng Alain Juppé cũng tranh thủ thời gian xây tuyến đường sắt để cải tạo lại toàn bộ khu nội thành: tuyến đường giao thông được cơ cấu mới, động sản thành phố được thay thế, nhiều vùng chỉ dàng riêng cho người đi bộ được quy hoạch mới, mặt tiền được tu bổ. Xuống cấp được hãm lại; dân số gia tăng, giá bất động sản trong khu trung tâm tăng – nhờ tàu điện.
Đường sắt thu hút cửa hàng
Tàu điện trong chức năng đôi của giao thông thành phố – và là phương tiện cứu vãn đô thị: một kinh nghiệm mà Nantes, Nancy, Nice và Strasbourg cũng trải qua. “Chúng tôi đã có thể sửa sang lại cảnh quang thành phố và sắp xếp lại thứ tự cấp bách những việc cần làm”, ông von der Mark nói. “Người đi bộ, đi xe đạp và ngay cả người lái ô tô đều có lợi ích từ việc này.”
Lúc đầu, niềm hân hoan hứng khởi đối với kế hoạch tất nhiên là có giới hạn, giai đoạn lên kế hoạch và xây dựng hỗn độn kéo dài nhiều năm suýt tí nữa đã trở thành cơn ác mộng tập thể. “Người dân Strasbourg muốn có tàu điện, nhưng mà không muốn có trên đường phố, giới doanh nhân lo ngại hằng ngàn cửa hàng phải đóng cửa. Đã có nhiều vụ kiện cáo. Lúc thì vì mật độ giao thông dầy đặc, lúc thì vì lo ngại tiếng ồn”, người con vui tính của vùng Alsace nhớ lại những lần người dân bức xúc tụ tập và biểu tình chống đối. Nhưng ông von der Mark vẫn kiên quyết. “Ngay sau khi tàu điện hoạt động, tất cả các lo ngại đều biến mất.”
Kinh tế cũng hưởng lợi từ điều này. Trung tâm thành phố Strasbourg, có thời bị đe dọa vì thương mại và cửa hàng di dời đi nơi khác, đã trải qua một thời kỳ dựng nghiệp thật sự nhờ liên kết của tàu điện. Quanh đường sắt hiện nay là những cửa hàng sang trọng của Hermès, Cartier hay Gucci. Tàu điện đang mang về cho thành phố nhiều thương hiệu đắt tiền.
Tất cả 5 tuyến đường hiện nay đầy khách – cũng nhờ vào chính sách giá vé không ngoan. Ai đỗ ô tô trong các bãi đỗ xe để đi tàu (Park-and-Ride) chỉ phải trả trả 2,70 euro cho phí đỗ ô tô và vé tàu. Mỗi một chiếc ô tô có thể được đến 4 vé tàu miễn phí cho những người đi cùng.
Đổi mới thật sự vẫn còn đứng ở phía trước – kết nối tàu điện vào mạng lưới giao thông vùng. Thí dụ như trong Mulhouse, theo viễn cảnh quy hoạch, tàu điện sẽ chạy đến cả Cảng hàng không EuroAirport cách đấy 25 km. Để làm được việc này, tàu điện phải chuyển sang đường ray của tàu hỏa. Cái giữa tàu điện và tàu hỏa địa phương đã có tên: “Tram-train”.
Phan Ba (theo Spiegel)