Thói quen

Thói quen

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Cô gái mười chín tuổi, sống trong ký túc xá, nỗi lo nghĩ ngày đêm là gì? Tôi thường tự hỏi như vậy, rồi gạt bỏ vấn đề: mười chín tuổi người ta chẳng lo nghĩ gì cả. Nếu có thì cũng lo nghĩ trong chốc lát, chẳng hạn tới kỳ nộp bài làm rồi, vài giờ trước “hạn chót” mới ngồi xuống viết như điên.

Cái đó hồi xưa tôi cũng vậy, bây giờ cô cháu gái của tôi thậm chí rút ngắn thời hạn “lo nghĩ” đó thành nửa tiếng hay một giờ gõ trên máy tính, rồi bấm nút “send” cho giáo sư, xong kể như “quẳng gánh lo đi mà vui sống.”

Thế nhưng cô nàng than thở: “Con lo nghĩ suốt ngày đêm luôn, ngày nào cũng cân, ăn cái gì cũng tính ca lo, lên một cân là mất ngủ.” Ôi trời ơi, con nhỏ lo mập. Thực ra chính tôi cũng mỗi ngày tự cân mình, buồn vui theo trọng lượng trồi sụt của cơ thể. Nhưng mà tôi già rồi, cơ thể xồ sề ra, thẩm mỹ không thành vấn đề, vấn đề đáng lo là sức khỏe. Hồi tôi mười chín hai mươi, tôi nhớ, mình ăn uống “vô tư”, chẳng lo lắng gì hết, mà cũng không thể nào mập. Làm sao mà đang tuổi tiêu hao năng lượng nhiều nhứt, cháu tôi lại lo mập được chứ?

Ký túc xá có phòng tập thể dục. Từ phòng cô nàng đi bộ mười phút là tới phòng tập. Hơi xa à? Mười phút đi mười phút về cũng kể là thể dục vậy, chẳng tốt sao? Dạ, nhưng… À, sự đời luôn có chữ nhưng, cho dù người ta còn trẻ.

Hồi trẻ tôi thấy người già (cỡ tuổi tôi bây giờ) có những thói quen kỳ quái, lại giữ khư khư, không chịu thay đổi, khiến cho người chung quanh phát điên được. Chẳng hạn một ông giáo sư của tụi này luôn đội một cái nón nỉ vô lớp, kéo cái ghế sau cái bàn giáo sư ra trước tấm bảng, giở nón ra trịnh trọng đặt cái nón lên cái ghế, rồi mới quay lại chào sinh viên. Không biết ông cố tình làm vậy để gây ấn tượng, hay có ngụ ý gì trong hành động đó. Nhiều lần tụi này giấu biến cái ghế đi, để xem ông có phải để cái nón nỉ lên bàn hay cứ phải đội nó. Không ngờ ông bực dọc khó chịu vô cùng, phải kiếm cho ra được cái ghế để đặt cái nón , rồi mới làm chuyện khác. Có lần không kiếm được cái ghế nào, ông bỏ lớp, trở về văn phòng khoa, lý do: không có ghế cho giáo sư… ngồi.

Pháp luật - Thói quen

Lúc đó tôi thấy người già sao mà bảo thủ, tôi tưởng mình không bao giờ tự cầm tù mình trong một thói quen nào cả. Tại sao cứ mỗi ngày phải uống café ở đúng cái quán quen, tại sao cứ phải đọc một tờ báo? Bữa nay mình uống sữa đậu nành, mai uống sinh tố mãng cầu, mốt ăn kem… chẳng thú vị hơn sao? Đời có trăm ngàn hương vị, phải thay đổi để có thể thưởng thức hết chứ! Có gì nhàm chán cho bằng lập đi lập lại? Có một thứ gọi là “hứng”, cứ tùy hứng mà sống, tùy hứng mà chơi, mất hứng thì bỏ, tìm hứng thú khác.

Tôi đã sống mấy chục năm tuổi trẻ của mình gần như vậy. Hứng lên thì làm, chán thì dẹp. Hứng thì đi, chán thì về. Hứng thì viết, và hàng trăm bài thơ, tiểu thuyết dở dang vì cơn hứng không đủ bền để đi tới kết thúc. Tôi tưởng mình “cóc nhảy” như vậy, khó hình thành được những thói quen, khó có được “nếp” gì đó để lại cho người tiếp xúc ấn tượng độc đáo, khiến người ta nghĩ đến mình là nhớ đến thói đó, và ngược lại. Như tôi bây giờ thấy cái nón nỉ là nhớ ông giáo sư hồi xưa.

Ai dè, tôi cũng có những thói quen mà người khác nhận ra, trong khi tôi không hề biết. Đến khi biết, tôi cố tình phá vỡ, để không còn thói quen đó nữa, tự do là không ràng buộc bởi cả thói quen của mình. Hồi ở Chợ Lớn chiều chiều tôi đi bộ qua Xóm Cải, có chị bán chè đậu ngự rất ngon, tôi ăn quen, chiều nào không đi ăn chè thì nhớ. Tới hồi cần phải giảm ăn đường, quyết định bỏ mục ăn chè, chiều chiều nhứt định không đi qua Xóm Cải nữa. Nhưng rồi tôi đi lòng vòng lại tới Xóm Cải, thấy chị bán chè lại ghé vô.

Thói quen hình thành lúc nào tôi cũng không biết, bỏ được mấy ngày rồi đâu lại vào đấy. Mà chè đậu ngự chứ có phải café thuốc lá hay chất gây nghiện đâu. Chỉ khi đi xa Xóm Cải, dẫu có muốn, có thèm mấy đi nữa, cũng không thể, tôi biết người ta nhớ nhà cũng là nhớ một thói quen.

Tôi bảo cháu tôi: Con tập thói quen đi bộ đi, cho dù đi bộ tới phòng tập thể dục rồi mất hứng tập, đi bộ về, thì cũng như đã tập thể dục. Cô nàng nói con ráng lắm, mà… tập hoài không được. Cô nàng hỏi ngược lại: “Mà làm sao có được thói quen? Con thấy cô có nhiều thói quen hay hay (!) làm sao cô tập được?”

Tôi hơi chưng hửng. Chẳng lẽ năm tháng, hay nếp sống êm đềm này, đã “luyện” tôi thành một con người của thói quen? Cho dù là thói quen “hay hay” tôi cũng bắt đầu thấy vướng víu, khó chịu.

Thường thì thói quen được chia làm mấy loại: tốt, xấu, vô thưởng vô phạt. Người đời cho là có nhiều thói quen tốt là người tốt, nhiều nền giáo dục cơ bản cố rèn luyện cho những người trẻ tuổi những thói quen được gọi là nề nếp tốt, đại khái như tôi vừa khuyên cháu tôi tập thói quen đi bộ. Những nhà giáo dục đều biết tập một thói quen cho những người trẻ tuổi khó khăn như thế nào.

Thế nhưng bí ẩn vẫn còn đó: làm sao mà đến lúc già, hay không còn trẻ nữa, người ta bỗng trở thành một tập hợp những thói quen, trong đó có không ít thói quen mình không cố tình luyện tập, thậm chí không tự nhận biết. Bây giờ mới hiểu câu này: từ năm mươi tuổi trở đi tính cách một con người không quan trọng bằng thói quen của người đó. Và đừng nói với một người đứng tuổi là họ có thói quen này không tốt, cần sửa đổi…

Nhà văn Lý Lan

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.